Các dự án giao thông trọng điểm: Tạo không gian phát triển cho Hà Nội

13/08/2022 8:06 AM

(Chinhphu.vn) - Là địa phương triển khai 3 dự án giao thông trọng điểm, Hà Nội đang tập trung cao độ cho dự án Vành đai 4, hoàn thành đoạn trên cao đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội… nhằm góp phần giải quyết nút thắt về giao thông vận tải, tạo không gian phát triển mới, động lực phát triển mới của Thủ đô và các địa phương.

Các dự án giao thông trọng điểm: Tạo không gian phát triển cho Hà Nội - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa dự án tuyến Đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội ngày 7/8 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hà Nội đang triển khai 3 dự án giao thông trọng điểm

Phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải ngày 10/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay, trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều triển khai các dự án lớn của ngành giao thông vận tải. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các dự án này, rút kinh nghiệm từ những cách làm hay và cả những hạn chế, bất cập trong nhiều năm qua, trong đó khâu yếu nhất vẫn là tổ chức thực hiện. 

Tại Hà Nội, Thành phố đang triển khai thực hiện 3 công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, đó là: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8 km với quy mô mặt cắt ngang quy hoạch 6 làn xe ô tô cao tốc, sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng được chia làm 7 dự án thành phần do UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội làm cơ quan chủ quản.

Theo Bộ Giao thông vận tải, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư các dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP HCM, UBND các tỉnh, thành phố đã phối hợp cùng Bộ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai dự án, thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức lập mốc chỉ giới quy hoạch, chuẩn bị các công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn, triển khai các công tác liên quan đến giải phóng mặt bằng (giao nhiệm vụ chủ đầu tư, đo đạc, kiểm đếm…).

Còn 2 Dự án đường sắt đô thị do UBND TP. Hà Nội làm cơ quan chủ quản, theo đó, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội: Dài 12,5 km (8,5 km đi trên cao và 4,0 km đi ngầm) với 12 nhà ga (8 nhà ga trên cao và 4 ga ngầm) và 1 khu Depot, tổng mức đầu tư 32.910 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án từ 2008 - 2022, tiến độ dự án đến nay đạt 75%, trong đó đoạn trên cao đạt 96%, đoạn ngầm đạt 33%. Dự án đang hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự kiến tiến độ hoàn thành dự án tháng 12/2027.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5 km (8,5 km đi ngầm, 03 km đi cao) với 10 nhà ga (03 nhà ga trên cao, 07 nhà ga ngầm) và 01 khu Depot, tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng.

Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án tuyến và vị trí ga ngầm C9 (hồ Hoàn Kiếm) làm cơ sở hoàn thiện thủ tục để điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Theo Bộ Giao thông vận tải, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, các địa phương, trong đó có UBND TP. Hà Nội tập trung triển khai công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư các dự án thành phần; cập nhật, điều chỉnh quy hoạch liên quan; tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh công tác lập, thẩm định và phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chỉ giới đường đỏ để triển khai công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, cần tập trung chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị.

Các dự án giao thông trọng điểm: Tạo không gian phát triển cho Hà Nội - Ảnh 2.

Tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Vành đai 4-Vùng Thủ đô dự kiến chính thức khởi công tháng 6/2023

Về tiến độ 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô có dự kiến tiến độ hoàn thành xong năm 2026; đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

Về tình hình triển khai đến nay, TP. Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo của riêng Hà Nội; hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh cũng đã lập Ban chỉ đạo riêng. TP. Hà Nội cũng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ vào đầu tháng 8/2022.

TP. Hà Nội đã lập kế hoạch tổng thể và chi tiết để triển khai dự án đầu tư Vành đai 4-Vùng Thủ đô thuộc Hà Nội; đồng thời dự thảo kế hoạch thực hiện cho cả 3 địa phương (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) về kế hoạch phối hợp triển khai.

Triển khai kế hoạch tổng thể của tuyến đường, đến nay Hà Nội đã xác định 3/5 đoạn, tuyến; lập kế hoạch để phê duyệt đánh giá về tác động môi trường, dự kiến báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trong tháng 12/2022; lập báo cáo và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần, dự kiến phê duyệt trong quý I/2023.

Về kế hoạch giải phóng mặt bằng, theo Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn, Hà Nội phấn đấu quý I/2023 bắt đầu bàn giao mặt bằng, phấn đấu đến tháng 6/2023 đạt 70% khối lượng giải phóng mặt bằng, phấn đấu đến hết 2023 cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng. Theo quy mô giải phóng mặt bằng của tuyến Vành đai 4-Vùng Thủ đô, dự kiến có 1.341 ha cần giải phóng mặt bằng, tương đương khoảng 19.000 tỷ trên địa bàn cả 3 địa phương. Riêng Hà Nội cần giải phóng mặt bằng trên 700 ha với khoảng 13.000 tỷ đồng.

Theo ông Dương Đức Tuấn, với tiến độ này, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh sẽ cố gắng phấn đấu giải phóng mặt bằng trong năm 2023.

"Trên cơ sở này xác định dấu mốc cho cả 3 tỉnh, thành phố là đến tháng 6/2023 chính thức khởi công xây dựng tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô", Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết.

Để triển khai nhiệm vụ, TP. Hà Nội giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và các sở, ngành và 7 quận, huyện để triển khai giải phóng mặt bằng và tái định cư. Ngày 5/8 vừa qua, Thành ủy Hà Nội, tỉnh ủy Bắc Ninh và Hưng Yên cũng đã tổ chức hội nghị nhằm thống nhất toàn bộ nội dung để triển khai dự án đúng quy hoạch, đúng tiến độ.

Thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ ban hành sớm Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội.

Cũng theo Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trong các công trình, dự án giao thông quan trọng quốc gia, vì vậy dự kiến 3 tỉnh sẽ đề xuất thành lập Ban chỉ đạo chung do Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban để triển khai dự án từ những khâu then chốt nhất.

TP. Hà Nội sẽ tập trung cao độ xác định gốc của các đoạn, tuyến của dự án Vành đai 4, xác định mốc giới và tiến hành cắm mốc tại các quận, huyện; đồng thời bàn giao công tác này trong tháng 9/2022 để chuẩn bị công tác khởi công.

Thủ tướng Chính phủhttps://baochinhphu.vn/hoan-thanh-...

Hoàn thành đoạn trên cao đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội vào cuối 2022

Về Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có cuộc họp chỉ đạo về tuyến Nhổn - Ga Hà Nội với những chỉ đạo hết sức cụ thể. Theo đó, tuyến nổi dài 8,5 km dự kiến hoàn thành cuối năm 2022, còn 4 km ngầm sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn để sớm hoàn thành vào năm 2025.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ trình Chính phủ và các Bộ, ngành tiêu chuẩn kỹ thuật đầu tư, tiến độ và tổng mức đầu tư của dự án.

Về tuyến đường sắt đô thị số 2 giai đoạn 1 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, theo Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn, tuyến đường sắt này cũng rơi vào hoàn cảnh như tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Tuyến Nam Thăng Long được phê duyệt vào năm 2009, tiến độ đến năm 2015, tuy nhiên đến nay mới trong giai đoạn tiếp tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, giãn thời gian thực hiện.

Phó Chủ tịch TP. Hà Nội nêu kiến nghị Chính phủ và các Bộ liên quan tiếp tục quan tâm về điều chỉnh chủ trương đầu tư để thời gian tới tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đồng bộ với quá trình triển khai tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đoạn đi ngầm nhằm đưa tuyến đường sắt đô thị này vào vận hành sớm nhất.

Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm: Ðường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc: Bắc-Nam phía Ðông, Bến Lức-Long Thành, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Ðường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; các tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác…

Gia Huy

Top