Các làng nghề cần bắt tay ngay vào sản xuất với khí thế khẩn trương
(Chinhphu.vn) - Bước vào năm mới, các cơ sở sản xuất trong làng nghề sơn mài Hạ Thái nói riêng và huyện Thường Tín cũng như trên toàn Thành phố nói chung cần cố gắng bắt tay ngay vào sản xuất với khí thế làm việc khẩn trương, vừa bảo đảm tốt công ăn việc làm cho người lao động, nhân dân địa phương, vừa góp phần gắn kết phát triển du lịch.
Ngày 9/2, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã đi thăm, động viên sản xuất nhân dịp đầu Xuân mới, tại Cụm công nghiệp Duyên Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo các sở, ngành Thành phố, huyện Thường Tín.
Báo cáo về hoạt động sản xuất trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, nên, giá trị sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp của huyện vẫn ổn định. Huyện có 11 cụm công nghiệp với hàng nghìn doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp; hơn 100 làng nghề truyền thống, trong đó, gần 50 làng nghề được UBND Thành phố công nhận; đặc biệt, Làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái là làng nghề tiêu biểu cấp Thành phố.
Ân cần thăm hỏi, động viên, chúc Tết và trao tặng quà của Thành phố cho các nghệ nhân, người lao động đang làm việc tại làng nghề, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ phấn khởi, chúc mừng những kết quả đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng khởi sắc nơi đây.
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thành phố Hà Nội hiện có hơn 1.300 làng nghề, trong đó, tại huyện Thường Tín có nhiều làng nghề đã có bề dày truyền thống. Bước vào năm mới, các cơ sở sản xuất trong làng nghề sơn mài Hạ Thái nói riêng và tại huyện Thường Tín cũng như trên toàn Thành phố nói chung cần cố gắng bắt tay ngay vào sản xuất với khí thế làm việc khẩn trương, vừa bảo đảm tốt công ăn việc làm cho người lao động, nhân dân địa phương, vừa góp phần gắn kết phát triển du lịch.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tạo những điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, làng nghề ngày càng phát triển, tạo ra những sản phẩm ngày càng có chất lượng, không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống mà còn đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế địa phương và Thủ đô.
Đồng thời, cần rà soát toàn bộ để ngày càng tạo điều kiện tốt chăm lo cho sản xuất, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề tại các làng nghề, để không những bảo tồn nghề truyền thống mà còn phát triển đưa các sản phẩm vươn ra xuất khẩu sang những thị trường rộng lớn hơn.
Thùy Linh