Các quận, huyện ‘dồn lực’ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

06/03/2019 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lan rộng, hiện nay các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã sẵn các phương án dự phòng trong trường hợp xuất hiện có ổ dịch như: Xử lý tiêu độc khử trùng, chuẩn bị hố chôn lấp hợp vệ sinh môi trường...

* Quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi xâm nhập

* Thực hiện 5 “không” để khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

* Đối phó nhanh, mạnh sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh tả lợn

* Thành lập 5 tổ công tác liên ngành kiểm tra công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

* Ngăn chặn hành vi buôn bán gia súc, gia cầm nhiễm dịch

* Hà Nội: Tăng cường chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ

* Triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

Các hộ chăn nuôi, trang trại đều sát trùng, tiêu độc nhằm phòng tránh dịch tả lợn châu Phi - Ảnh minh họa

Tới thời điểm này, mặc dù chưa có bất cứ sự cố gì về dịch bệnh xảy ra trên địa bàn nhưng tất cả các xã trên toàn địa bàn huyện Mê Linh đã chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng trong trường hợp xuất hiện có ổ dịch. Ông Bùi Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và TP Hà Nội về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, huyện đã thành lập 2 đoàn kiểm tra đi kiểm tra tất cả các xã. Toàn huyện lấy tinh thần “phòng bệnh là chính”, trong đó bảo đảm vệ sinh môi trường được ưu tiên hàng đầu.

UBND huyện cũng yêu cầu các xã chuyển bị sẵn các phương án, xử lý tiêu độc khử trùng, chuẩn bị hố chôn lấp hợp vệ sinh môi trường. Cho tới thời điểm này chưa có bất cứ sự cố gì về dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Ghi nhận tại huyện Đan Phượng, tính đến thời điểm này, huyện đã tổ chức phun tiêu độc khử trùng 720.000 m2, tập trung tại các khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại, hộ gia đình... Ngoài ra, huyện cũng cấp 55 tấn vôi bột cho các xã để tiêu độc, vệ sinh môi trường. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, hiện huyện chưa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi nào, tuy nhiên huyện vẫn bố trí nhân lực phòng chống dịch ở tất cả các xã, thị trấn. Đồng thời, thực hiện chế độ giao ban nắm bắt tình hình, bố trí lực lượng chốt trực kiểm tra đầu vào 24/24 giờ.

Tại huyện Ứng Hòa, từ nhiều ngày nay, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã chủ động phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột ở nhiều tuyến đường dẫn vào khu trang trại chăn nuôi. Là vùng chăn nuôi trọng điểm của TP, hiện Ứng Hòa có tổng đàn lợn 98.117 con với 4.213 hộ chăn nuôi. Trong đó, chăn nuôi lợn tập trung chủ yếu tại các xã: Vạn Thái, Hồng Quang, Sơn Công... UBND huyện đã yêu cầu người chăn nuôi và các hộ chăn nuôi tuân thủ các chỉ đạo, hướng dẫn của huyện để phòng, ngừa dịch bệnh.

Tại huyện Thường Tín, để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng, chống bệnh dịch theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và huyện. Tiếp tục triển khai nghiêm túc kế hoạch của huyện về ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm trên địa bàn và chủ động bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng tránh bệnh dịch. Đồng thời, thành lập Đoàn kiểm tra, phân công trách nhiệm từng thành viên, tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch xâm nhiễm trên địa bàn.

Đặc biệt tiêm phòng triệt để vắc xin dịch tả lợn cho đàn lợn trên địa bàn; làm tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường.

Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đia bàn quận. Theo đó, khi chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, quận sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân; tuyên truyền người kinh doanh buôn bán thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở kinh doanh chế biến, các phương tiện vận chuyển, chấp hành nghiêm các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuvển các sản phẩm nguồn gốc thịt lợn; khai báo kịp thời cho cán bộ Thú y, Ban quản lý chợ hoặc UBND phường khi thấy hiện tượng bất thường trên sản phẩm thịt lợn.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thịt lợn; tổ chức tiêu độc môi trường tại những nơi có nguy cơ cao như nơi tập kết, kinh doanh sản phẩm lợn tươi sống và kho chứa sản phẩm thịt lợn, các chợ, bãi rác thực hiện vệ sinh, tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ.

Khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn quận, cần khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định. Bên cạnh đó, xử lý triệt để tiêu hủy sản phẩm mắc bệnh và nghi mắc bệnh.

Tại quận Đống Đa, quận đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, UBND các phường trong việc tăng cường thanh, kiểm tra vệ sinh thú y đối với các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động kinh doanh, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, hóa chất và hướng dẫn kĩ thuật vệ sinh tiêu độc, vệ sinh môi trường tại các chợ. Khi phát hiện dấu hiệu của bệnh dịch tả lợn châu Phi phải phối hợp, hướng dẫn UBND phường, ban quản lý các chợ và các đơn vị liên quan xử lý nhanh, đúng quy trình các sản phẩm động vật tươi sống phải tiêu hủy theo đúng qui định, đặc biệt các sản phẩm từ lợn không để bán chạy, đồng thời, tiến hành tiêu độc môi trường triệt để...

Ngoài ra, tại một số địa phương khác như Ba Đình, Sơn Tây, Ứng Hòa, Thanh Trì, Hà Đông, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi cũng gấp rút được triển khai. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh và mức hỗ trợ của nhà nước cho người chăn nuôi có lợn bị bệnh.

Hiện TP. Hà Nội đã khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, cần chủ động thực hiện ngay các giải pháp phòng bệnh, chăn nuôi theo hướng sinh học gắn với việc xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, Thành phố tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin để tạo miễn dịch, chủ động khống chế bùng phát dịch; tổ chức diễn tập phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại một số huyện để mời Ban Chỉ đạo các quận, huyện tham quan, học kinh nghiệm chủ động ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.

Diệu Anh

Top