Các trường học ở Thanh Trì tích cực khắc phục hậu quả sau mưa lũ
(Chinhphu.vn) - Với phương châm "nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó", các trường trên địa bàn huyện Thanh Trì đã tích cực dọn dẹp để sớm đón các học sinh trở lại trường học.
Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Trì Hà Nội, mấy ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, một số xã vùng bãi ven sông của huyện Thanh Trì bị ngập lụt. Mức nước của sông Hồng dâng cao trên mức báo động II, 40% các khu dân cư, 100% diện tích sản xuất nông nghiệp tại các xã vùng bãi bị ngập úng.
Nước dâng cao gây ngập lụt cũng khiến cho 43 trường học của huyện Thanh Trì bị ảnh hưởng, trong đó có 9 trường mầm non, 17 trường THPT, 17 trường THCS. Do đó những ngày qua, các trường này đã triển khai cho học sinh học trực tuyến.
Đến ngày 13/9, trên địa bàn huyện còn 12 trường học bị ngập khiến hoạt động dạy và học của thầy trò bị gián đoạn. Đó là các trường Mầm non Duyên Hà, Tiểu học Duyên Hà, THCS Duyên Hà, Mầm non Vạn Phúc, Tiểu học Vạn Phúc, THCS Vạn Phúc, Mầm non Yên Mỹ, Tiểu học Yên Mỹ, THCS Yên Mỹ và một số trường trong đê.
Khi nước đã rút dần, với phương châm "nước rút tới đâu, vệ sinh ngay tới đó", trong ngày 13/9/2024, một số trường học trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã triển khai ngay việc tổng vệ sinh, dọn dẹp trường, lớp để kịp đón học sinh đi học trở lại vào thứ Hai (16/9).
Cô Nguyễn Thu Hường - Hiệu trưởng trường Mầm non Yên Mỹ cho biết, chiều 10/9, khi nước sông Hồng bắt đầu dâng cao cũng là lúc trường bắt đầu ngập. Rất nhanh, chỉ qua 1 đêm, nước lũ đã cao đến 40-50cm trong sân trường. Ngày hôm sau (11/9), mực nước dâng cao nhất đến hơn 1m. Trong phòng học, nước dâng cao trên 40cm. Rất may trước đó, nhà trường kịp thời di chuyển cơ sở vật chất, đồ dùng, trang thiết bị dạy học và chăn, gối của học sinh lên các tầng cao nên thiệt hại về vật chất là không đáng kể.
Trường có 38 cán bộ, giáo viên thì có đến hơn 20 người sống trong vùng ngập lụt. Nhiều giáo viên nhà ngập sâu trong nước. Trong khó khăn ấy, nhà trường đã nhận được sự sẻ chia, hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ, giáo viên khối mầm non trong huyện. Từ chiều 12/9, khi nước rút dần khỏi các phòng học, cán bộ - giáo viên nhiều trường mầm non trong huyện đã đến hỗ trợ nhà trường dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Bên cạnh đó, rất nhiều người thân của các cô giáo cũng đến chung tay cùng nhà trường dọn dẹp, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Đến chiều 13/9, công tác dọn dẹp, vệ sinh trong khuôn viên nhà trường vẫn được triển khai tích cực. Sau nhiều lần xịt nước, lớp bùn nhão vẫn bám đầy dưới mặt sân, trên các đồ chơi của trẻ.
Dù nước đã rút hết nhưng nhà trường dự kiến thứ 3, ngày 17/9 mới đón trẻ đến trường bởi công tác vệ sinh, khử khuẩn cần được làm kỹ càng để đảm bảo sức khỏe học sinh. Tranh thủ những ngày nắng to, nhà trường sẽ mở cửa hết các phòng học để hút ẩm, hong khô đồ đạc, khử trùng bằng vôi, Cloramin B. Ngoài ra, rất nhiều xóm vẫn ngập sâu trong nước nên nhà trường đợi trong dân cư nước rút hẳn để đảm bảo an toàn cho các em khi đến trường.
Cô Đặng Thị Thảo - Hiệu trưởng trường THCS Vạn Phúc cho biết sau khi dọn dẹp, vệ sinh môi trường sạch sẽ, nhà trường dự kiến ngày mai (14/9) sẽ phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên để phòng tránh dịch bệnh. Ngày 16/9, trường sẵn sàng đón hơn 1.000 học sinh đi học trở lại.
Thống kê từ Sở GD&ĐT Hà Nội, ngày 13/9, toàn thành phố còn 153 trường học chưa thể đón học sinh đến trường học tập trực tiếp. Trong số này, có 44 trường mầm non, 53 trường tiểu học, 40 trường trung học cơ sở, 16 trường trung học phổ thông, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 trường trực thuộc Sở GD&ĐT.
Đồng thời với việc tổ chức dạy học theo kế hoạch thời gian năm học, các nhà trường trên địa bàn thành phố tiếp tục tập trung cao độ cho việc khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, dù thời tiết đang dần thuận lợi trở lại cho việc dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, tại một số trường học của thành phố không còn bị ngập nước nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, vì vậy các nhà trường chưa đón học sinh học tập trực tiếp.
Để bảo đảm kế hoạch thời gian năm học, tùy điều kiện thực tế, có trường duy trì hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến; với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có thiết bị hoặc không có mạng internet, ở địa bàn bị mất điện, nhà trường cũng đã có phương án hỗ trợ bảo đảm khi trở lại trường có thể học tập theo kế hoạch.
Minh Anh