Cách làm hay, hiệu quả trong tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

31/05/2023 2:11 PM

(Chinhphu.vn) - 20 năm qua, việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã trở thành một thói quen, một ngày vui mỗi dịp cuối năm của các cộng đồng dân cư trên địa bàn TP. Hà Nội. Từ đó, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được không ngừng củng cố và phát huy.

Cách làm hay, hiệu quả trong tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 1.

Việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã trở thành một thói quen, một ngày vui mỗi dịp cuối năm của các cộng đồng dân cư trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/LH

Mới đây, tại hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023, đã có nhiều kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được chia sẻ.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) Cam Văn Vũ cho biết, các khu dân cư trên địa bàn xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo thời gian tổ chức ngày hội. Ban Công tác Mặt trận mời những người con xa quê, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đảng viên sinh hoạt nơi cư trú về dự ngày hội.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận số 6, phường Quán Thánh (quận Ba Đình) Phạm Thị Hồng Sim cho hay, Ngày hội Đại đoàn kết tại địa bàn dân cư được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, động viên các tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, Huyện ủy Đông Anh đã có Nghị quyết chuyên đề số 250-NQ/HU về "5 có", "3 không". Trong đó, "3 không" gồm: Không vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường; không có hộ nghèo. Để tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, hằng năm, ngân sách huyện đều bố trí 10-15 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân trong sản xuất nông nghiệp... Huyện đến nay không còn hộ nghèo và chỉ còn 679 hộ cận nghèo.

20 năm qua, việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã trở thành nét đẹp truyền thống, thực sự là ngày hội tại mỗi cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Sau 9 năm thành lập, nhân dân trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Toàn quận đã có 1.390 lượt khu dân cư tổ chức đầy đủ cả phần lễ và phần hội, đạt tỷ lệ 90,38%; có 248 lượt khu dân cư tổ chức bữa cơm đại đoàn kết, đạt tỷ lệ 16,1%.

Số lượng người dân tham gia ngày hội năm sau cao hơn năm trước, nội dung hoạt động thiết thực, gắn liền với đời sống nhân dân, xuất hiện nhiều cách làm mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại ngày hội.

Còn tại quận Hai Bà Trưng, 20 năm qua đã có 4.258 lần tổ chức ngày hội Đại đoàn kết tại các khu dân cư, tổ dân phố, 1.077 bữa cơm đoàn kết, 15.226 tập thể, gia đình văn hóa, 38.514 cá nhân tiêu biểu được khen thưởng và hàng chục nghìn xuất quà dành cho hộ nghèo, người khó khăn, trẻ em, người khuyết tật, đối tượng chính sách được trao tặng trong những Ngày hội.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng Nguyễn Xuân Diệp, Ngày hội Đại đoàn kết có mục đích to lớn, ý nghĩa quan trọng nhưng cách thức tổ chức làm sao để luôn thu hút được đông đảo nhân dân cùng tham gia là điều các cấp MTTQ cơ sở thường xuyên suy nghĩ, tìm cách đổi mới phương thức hoạt động, cách thức tổ chức cho phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chia sẻ kinh nghiệm, bà Nguyễn Xuân Diệp cho rằng, công tác chỉ đạo phải đầy đủ và tuyên truyền từ sớm. Ngay từ đầu năm, MTTQ các cơ sở chủ động đưa kế hoạch tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết vào chương trình công tác năm và xin ý kiến lãnh đạo của cấp ủy Đảng cùng cấp. Khi đến quý III có hướng dẫn từ MTTQ cấp trên thì các ban công tác Mặt trận sẽ thông báo rộng rãi tới bà con và kết hợp với UBND phường tuyên truyền trên bảng tin, nhóm zalo tổ dân phố, loa phát thanh, treo pano… để tạo không khí sẵn sàng cho ngày hội.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đánh giá, những đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác Mặt trận từ mỗi địa bàn cơ sở ngày càng được thể hiện rõ hơn. Ban đầu Ngày hội được tổ chức tại từng khu dân cư, sau đó nhiều đơn vị thay đổi quy mô tổ chức thành liên khu dân cư, các hoạt động được mở rộng, có quy mô lớn; phần lễ và phần hội của Ngày hội cũng được đổi mới rất nhiều qua từng giai đoạn…

"Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng thể hiện rõ hơn trách nhiệm, vai trò liên minh chính trị, từng bước khẳng định vị trí trung tâm, cầu nối mật thiết của tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp với Nhân dân; khơi dậy sức mạnh, quyết tâm cống hiến của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng tham gia xây dựng đất nước", ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Bích Phương

Top