Cải cách triệt để TTHC giúp gỡ vướng về đất đai

05/07/2016 11:30 AM

(Chinhphu.vn) - Để đến hết tháng 6/2017 giải quyết được hết các trường hợp còn vướng mắc trong cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, Hà Nội đã đặt nhiệm vụ triệt để việc tinh giảm, cải cách thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc cho các trường hợp còn tồn đọng.

Ảnh minh họa

Nhiều lý do còn vướng mắc

Đến ngày 20/6, Hà Nội đã cấp được 1.458.150 thửa đất, căn hộ (đạt tỷ lệ 89,9%). Số thửa đất còn phải kê khai đăng ký cấp GCN là 146.189 thửa đất, bao gồm các thửa đất chưa kê khai đăng ký cấp Giấy và các thửa đất còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc như tranh chấp khiếu kiện, nằm trong quy hoạch…

Nhiều khó khăn, vướng mắc đã được TP. Hà Nội đưa ra đối với từng trường hợp cụ thể, như trường hợp đất tại các khu dân cư hiện còn 144.011 thửa đất còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân do cấp trái thẩm quyền; lấn, chiếm đất; chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, bao gồm cả trên 25.000 trường hợp vi phạm quy hoạch; 47.492 trường hợp vi phạm đã bị các cơ quan chức năng xử lý nhưng thực hiện chưa dứt điểm.

Nguyên nhân tồn đọng chủ yếu do phần lớn các trường hợp còn lại không có giấy tờ hợp lệ, có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai từ nhiều năm qua chưa giải quyết được, trong đó, vi phạm chủ yếu dưới các hình thức tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công, mua bán “trao tay”…không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định.

Riêng các trường hợp mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở, hiện có 56.970 căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở có liên quan đến sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, quản lý đất đai của chủ đầu tư.

Sai phạm cụ thể của chủ đầu tư là xây dựng không đúng quy hoạch chi tiết hoặc không đúng thiết kế hay giấy phép được cấp (xây tăng diện tích (tăng mật độ) xây dựng; tăng số tầng, tăng số căn hộ) chuyển công năng tầng kỹ thuật thành văn phòng hoặc nhà ở; chuyển tầng dịch vụ, thương mại thành nhà ở).

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp chủ đầu tư vi phạm pháp luật đất đai như chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai (chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không làm thủ tục theo quy định) nhưng đã xây dựng và bán nhà ở; giao đất cho cơ quan, đơn vị xây dựng nhà ở nhưng đã phân chia cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở.

Chủ đầu tư sau khi hoàn thành xây dựng, bàn giao nhà ở xong đã chậm trễ trong việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp GCN cho người mua nhà. Nhiều trường hợp chủ đầu tư cho người mua nhà ở được chậm trả tiền mua nhà hoặc do người mua nhà đang thế chấp hợp đồng mua bán nhà tại các tổ chức tín dụng nên không đủ giấy tờ cần thiết để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.

Ngoài ra, Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện còn trên 2.000 trường hợp là các tổ chức kinh tế, trên 5.000 trường hợp là cơ quan, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp chưa kê khai cấp Giấy chứng nhận. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị sử dụng đất đã có biến động về diện tích, hình thể thửa đất ngại tiến hành công tác kê khai, lập hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chỉ khi có các nhu cầu liên quan đến sử dụng đất như giao dịch đảm bảo, chuyển nhượng, tách, nhập doanh nghiệp hoặc xin chuyển mục đích sử dụng đất thì mới liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn và lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định. UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở tài nguyên và Môi trường thông báo đến từng đơn vị để kê khải, đăng ký cấp Giấy chứng nhận.

Đơn giản nhiều TTHC về cấp GCN quyền sử đụng dất

Để giải quyết được hết các trường hợp còn tồn đọng, Hà Nội đã đặt mục tiêu việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận hoặc lập hồ sơ quản lý đối với các thửa đất còn tồn đọng phải hoàn thành từ nay đến tháng 6/2017. Việc cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức sử dụng đất đủ điều kiện và đã kê khai đăng ký cấp Giấy phấn đấu đến tháng 6/2017 phải cơ bản hoàn thành.

Chính vì vậy, Thành phố triệt để việc tinh giảm, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết vướng mắc đối với từng trường hợp cấp GCN cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Đối với nơi đã có bản đồ địa chính thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trích sao để làm thủ tục cấp GCN không phải chuyển qua cấp xã nơi có đất xác nhận về vị trí, ranh giới sử dụng đất không tranh chấp, khiếu kiện. Đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì Sở Tài nguyên và Môi trường thuê đơn vị có tư cách pháp nhân hành nghề đo đạc bản đồ…

Thành phố cũng bỏ thủ tục lấy ý kiến bằng văn bản của UBND cấp huyện nơi có đất xác nhận việc quản lý, sử dụng đất và đề nghị công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức; bỏ thủ tục nộp bản sao công chứng hoặc chứng thực Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư của người sử dụng đất. Chủ sử dụng đất tự khai nội dung này trên đơn đề nghị giao đất hoặc thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về trình tự xét duyệt, công nhận quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình tại khu dân cư sẽ thực hiện xét duyệt, cấp Giấy chứng nhận 1 cấp tại UBND cấp huyện; UBND cấc xã tham gia xét duyệt để giảm đầu mối xem xét, giảm thời gian giải quyết hồ sơ, hạn chế tiêu cực tại cấp cơ sở.

Còn với các hộ gia đình, cá nhân, trình tự, thủ tục được tinh giảm, cải cách thủ tục hành chính được thực hiện qua việc chỉ tiến hành thanh tra, xử lý đối với các trường hợp đã vi phạm là đất nông nghiệp được giao nằm xen kẹt trong khu dân cư để làm căn cứ xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Khi thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong dự án phát triển nhà ở ngay từ thời điểm Chủ đầu tư ký hợp đồng bán nhà cho người mua (không đợi đến sau khi hoàn thành công trình); tiến hành thanh tra, kiểm tra (nếu có) và triển khai thực hiện các bước thủ tục cấp Giấy chứng nhận, đảm bảo khi Chủ đầu tư bàn giao nhà cho người mua nhà; đồng thời Nhà nước trao Giấy chứng nhận cho người mua nhà theo quy định.

Đưa ra khỏi hệ thống cán bộ nhũng nhiễu

Đổi mới lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm phục vụ của công chức năng lực giải quyết công việc của công chức trong công tác cấp Giấy chứng nhận là mục tiêu đã được TP. Hà Nội đặt ra để hoàn thành đúng tiến độ đến tháng 6/2017 hoàn thành việc cấp GCN quyền sử dụng đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện sẽ rà soát đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác cấp Giấy chứng nhận, lựa chọn cán bộ có năng lực, có đạo đức nghề nghiệp để thực hiện. Kiên quyết đưa ra khỏi hệ thống ngành tài nguyên và Môi trường cán bộ thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu.

Đồng thời, Thành phố sẽ lấy kết quả công tác cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn là một trong các chỉ tiêu đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp.

Gia Huy

Top