Cải tạo hệ thống chợ theo hướng sạch, văn minh

22/05/2018 12:30 PM

(Chinhphu.vn) - Hệ thống chợ giữ vai trò hết sức quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên hiện nay, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã xuống cấp. Do đó, việc cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại, nhưng vẫn bảo đảm các yếu tố về văn hóa, quyền lợi của tiểu thương là giải pháp được đặt lên hàng đầu.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có 454 chợ, tạo gần 200.000 việc làm cho người dân. Tuy nhiên, với thực trạng phần lớn các chợ hiện có đã xuống cấp, hạ tầng chợ không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại; một số địa bàn chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dẫn đến phát sinh thêm tình trạng chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, mất trật tự an toàn giao thông; hàng hóa không được kiểm soát về nguồn gốc, không  bảo đảm về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... dẫn đến không đáp ứng được các yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn.

Điển hình như chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) - Là một trong những đầu mối cung cấp nông - lâm - thủy sản lớn cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, hiện chợ có khoảng 700 hộ hoạt động kinh doanh, trong đó có 200 hộ kinh doanh cố định. Bình quân mỗi ngày, chợ cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau, củ, quả và khoảng 30 tấn thủy hải sản, gia súc, gia cầm các loại. Với lượng hàng đa dạng như vậy, nhưng điều kiện vệ sinh tại chợ rất kém, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, một số địa bàn Thành phố chưa có chợ hoặc thiếu chợ, tổ chức chợ thiếu hợp lý, không thuận tiện khiến tình trạng chợ tạm, chợ cóc tồn tại dai dẳng, ảnh hưởng đến diện mạo và trật tự đô thị.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, mặc dù đã thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, quản lý kinh doanh khai thác chợ, nhưng trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều khó khăn như chợ vùng nông thôn xây dựng lán tạm, họp theo phiên, nhu cầu phục vụ thấp, số hộ kinh doanh ít… nên rất khó kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư để chuyển đổi mô hình quản lý.

Đối với các chợ đã chuyển đổi, do hiệu quả đầu tư không cao nên công tác cải tạo, duy tu, bảo dưỡng không được thực hiện thường xuyên, khiến hạ tầng chợ xuống cấp... Lý do có nhiều, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp làm chủ đầu tư thường quan tâm khai thác tối đa lợi thế thị trường để đạt lợi ích cao nhất. Nhiều chủ đầu tư bố trí chợ truyền thống xuống tầng hầm hoặc áp đặt mức thu phí với các tiểu thương... khiến điều kiện kinh doanh trong chợ ngày càng mất đi sự hấp dẫn, thân thiện.

Đưa giải pháp khả thi cho chợ văn minh

Với mục tiêu cải tạo chợ cũ trên địa bàn Hà Nội đạt các mục tiêu văn minh, hiện đại, đồng thời thành điểm nhấn kiến trúc, điểm mua bán bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; là nơi sinh hoạt cộng đồng mang đậm văn hóa địa phương… một dự án khả thi đang được thành phố Hà Nội chấp thuận triển khai.

Dự án khả thi theo đề xuất của liên danh nhà đầu tư gồm 3 công ty cổ phần: Công ty CP Tập đoàn AMACCAO, Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành. Đó là dự án đầu tư hệ thống chợ và thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới một số chợ trên địa bàn Thành phố.

Đối với dự án đầu tư hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố, liên danh nhà đầu tư sẽ lập một dự án bao gồm toàn bộ 115 chợ có nhu cầu đầu tư xây dựng mới giai đoạn 2018-2020 (tổng mức đầu tư khoảng 4.600 tỷ đồng). Đồng thời, đề xuất xây dựng từ bốn đến sáu phương án chuyển đổi đối với 120 chợ đầu tư cải tạo, nâng cấp gắn với chuyển đổi mô hình quản lý (khoảng 7.200 tỷ đồng).

Đối với dự án Thí điểm đầu tư cải tạo và nâng cấp một số chợ trên địa bàn, liên doanh nhà đầu tư đề xuất chia thành hai dự án nhỏ. Một là, đầu tư xây dựng mới bảy chợ gồm chợ Kiều Mai (quận Bắc Từ Liêm), chợ Dâu (huyện Đông Anh), chợ Nam Sơn, Tân Hưng, Việt Long, Đức Hòa, Kim Lũ (huyện Sóc Sơn), đây là các chợ đã có chỉ đạo của UBND thành phố phục vụ bảy xã nghèo của huyện Sóc Sơn. Hai là, đầu tư cải tạo, nâng cấp gắn với chuyển đổi mô hình quản lý bảy chợ gồm chợ Phú Gia (quận Tây Hồ), chợ Đại Từ (quận Hoàng Mai), chợ vật liệu xây dựng Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), chợ Trung tâm Đông Anh (huyện Đông Anh), chợ Tế Tiêu và chợ Sêu (huyện Mỹ Đức), chợ Chẹ (huyện Ba Vì). Dự kiến, quý IV/2018 sẽ khởi công dự án này và hoàn thành vào quý II/2019. Các dự án được thực hiện bằng 100% vốn tự huy động của nhà đầu tư.

Theo đề xuất của liên danh, đây là dự án đầu tư một cách tổng thể, đồng bộ cả ở các quận nội thành và các huyện ngoại thành, cả các phường trong nội đô, các thị trấn và các xã vùng nông thôn khó khăn, xa trung tâm.

Đánh giá cao tính khả thi của dự án, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhấn mạnh, dựa trên kết quả khảo sát thực tế, phân tích các đề xuất, giải pháp, lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước; đồng thời nghiên cứu mô hình, phương thức tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á…, đây là mô hình phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Dự án này nếu được thực hiện sẽ góp phần mang tới một diện mạo mới của Hà Nội khang trang, hiện đại; giúp ổn định an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và văn minh đô thị; tạo công ăn việc làm, là nơi kinh doanh buôn bán ổn định lâu dài cho các hộ kinh doanh buôn bán; tạo điểm nhấn kiến trúc thu hút khách tham quan du lịch.

Thùy Linh

Top