Cải thiện chất lượng nguồn nước tưới tiêu
(Chinhphu.vn ) - Theo kết quả phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ, sông Đáy diễn biến nhanh và phức tạp. Đặc biệt sông Đáy đang cấp nước tưới tiêu cho hầu khắp diện tích nông nghiệp phía Bắc, chủ yếu là Hà Nội đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về chất, lượng của nguồn nước.
Toàn lưu vực sông Đáy có 442.419 ha diện tích cần tiêu. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Quá tải vì rác thải
Theo cơ chế tự làm sạch, chất lượng nước sông Nhuệ, sông Đáy sẽ được cải thiện khi được nước sông Hồng bổ cập thường xuyên ở thượng nguồn. Tuy nhiên, theo ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, từ năm 2003, số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, mực nước sông Hồng thường xuyên duy trì ở mức thấp hơn so với yêu cầu của thiết kế (có thời điểm mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ còn 0,1m).
Nước thải sinh hoạt, y tế và nước thải sản xuất của khu, cụm công nghiệp, làng nghề, chưa qua xử lý hoặc đã được xử lý nhưng không đạt quy chuẩn cho phép, đổ ra sông. Tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng trực tiếp vào dòng sông càng làm trầm trọng thêm mức độ ô nhiễm…
Đặc biệt, vào mùa khô, chỉ khi có các đợt xả từ các hồ Thác Bà, Tuyên Quang, Hòa Bình, mới có thể duy trì mực nước trên 2m tại Hà Nội để đáp ứng yêu cầu mực nước tối thiểu. Với mực nước đó, hệ thống thủy lợi sông Nhuệ không thể lấy nước từ sông Hồng qua Cống Liên Mạc bằng hình thức tự chảy theo nhu cầu.
Thậm chí, có thời điểm, mực nước sông Hồng thấp hơn sông Nhuệ, nên phải thực hiện việc đóng cống để giữ nước trong sông Nhuệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong lưu vực. Do không được sông Hồng bổ cập nước thường xuyên và sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch, nước thải sông Nhuệ bổ sung vào sông Đáy làm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy cũng thêm ô nhiễm.
Chất lượng nước sông Nhuệ tại cống Liên Mạc từ sông Hồng chảy vào tương đối tốt, song, đoạn đầu sông Nhuệ (18km đầu, từ cống Liên Mạc đến Hà Đông) phải tiếp nhận một số nguồn thải từ nước sinh hoạt và một số nguồn thải từ các làng nghề, nên chất lượng nước bị ô nhiễm khi hàm lượng các chất Nitrit, N - NH3 vượt quá quy chuẩn Việt Nam. Khi sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu hợp lưu và đổ vào sông Nhuệ tại đập Thanh Liệt, sông Nhuệ phải tiếp nhận thêm một khối lượng lớn nước thải sinh hoạt, cũng như nước thải công nghiệp, làm cho hàm lượng các chất ô nhiễm tăng đột ngột. Đoạn sông từ đập Thanh Liệt trở đi, nước sông Nhuệ - Đáy ô nhiễm nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của dân cư hai bên bờ sông.
Từ nhiều năm nay, người dân sống ở các khu vực gần sông Đáy, đặc biệt là một số xã thuộc địa phận huyện Hoài Đức, Quốc Oai, thường xuyên phải gánh chịu sự ô nhiễm nguồn nước trầm trọng của con sông này.
Tại thượng nguồn sông Đáy, các xã như: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội, nơi có nghề sản xuất miến dong truyền thống, tình trạng ô nhiễm diễn ra ở khắp mọi nơi. Do đặc thù của một làng nghề truyền thống nên hầu như gia đình nào ở đây cũng tham gia sản xuất và chế biến nông sản. Mỗi ngày, có hàng trăm tấn củ sắn, củ đót được sơ chế, tẩy rửa và chế biến thành các sản phẩm khác nhau.
Tất cả các chất thải trong quá trình sản xuất đều được xả thẳng ra cống rãnh rồi tiếp tục chảy xuống sông Đáy, mà không qua bất cứ công đoạn xử lý nào, khiến cho nước sông trở nên đen kịt. Chất thải chăn nuôi hòa lẫn với chất thải từ chế biến nông sản đã tạo cho nước sông có một mùi hôi thối nồng nặc, khó chịu.
Dồn lực cứu sông Đáy
Sông Đáy đã trở thành một con sông “chết”, người dân sống ở những khu vực gần hạ nguồn sông chỉ biết sống chung với “lũ” mà không biết kêu ai. Còn những người dân sống ở khu vực thượng nguồn, nơi mà chất thải được xả trực tiếp xuống sông, họ cũng đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng đâu lại vào đấy, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra và ngày càng nghiêm trọng hơn.
TP. Hà Nội hiện đang tập trung nguồn lực chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị đầu tư xây dựng và vận hành các trạm, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt quy mô lớn; các trạm xử lý nước thải làng nghề, đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường; các dự án đầu tư cải tạo nạo vét và xây dựng hệ thống thủy lợi liên quan trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; các dự án bổ sung nguồn nước sông, các công trình tiêu thoát nước.
Trong đó, tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án xử lý nước thải góp phần bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, thực hiện dự án “Cụm công trình tiếp nước”.
Theo ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, một số dự án, nhiệm vụ trong số đó đã và đang được triển khai thi công, một số gặp khó khăn do thiếu vốn hoặc vướng khi giải phóng mặt bằng. Song, khi hoàn thành sẽ góp phần cải thiện đáng kể chất lượng nguồn nước của lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh của các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông, trong đó có đoạn sông Nhuệ chảy qua địa bàn quận Hà Đông. Tuy nhiên, ông Định cho rằng, việc giải quyết ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, ngành. Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy phải xuất phát từ quan điểm tổng thể, đồng bộ trên toàn lưu vực, kết hợp chặt chẽ với việc bảo vệ trữ lượng nguồn nước và chất lượng nước của dòng sông; và nhất thiết phải được sự ủng hộ cao của người dân trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Mới đây, Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức Hội thảo rà soát quy hoạch thủy lợi cấp, tiêu nước lưu vực sông Đáy. Tại hội thảo, Viện Quy hoạch thủy lợi, đã đề xuất nhiều phương án cấp nước cho sông Đáy như: cải tạo lòng dẫn sông Đáy, xây dựng đập trên sông Hồng, bổ sung công trình lấy nước động lực, điều tiết hồ chứa cùng với những giải pháp tiêu cho các khu vực sông.
Theo ông Lê Đức Năm, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Tưới tiêu Việt Nam góp ý, về cấp nước đã và đang có nhiều công trình lấy nước trực tiếp từ sông Hồng. Vấn đề xây dựng các đập dâng trên dòng chính dể điều tiết lại nước xả từ cac hồ chứa thượng lưu phải được nghiên cứu cẩn thân có trọng điểm và lưu dài. Về công trình trong từng khu thủy lợi đã nếu rõ việc lựa chọn và xếp thứ tự là do khả năng nguồn vốn và yêu cầu thực tế của từng địa phương. Nhưng công việc cấp thiết nhất vẫn là nạo vét các sông trục tưới tiêu, nâng cấp cống, trạm bơm.
Về môi trường, đây là vấn đề nghiêm trọng phải làm ngay vì không thể có nguồn nước đủ pha loãng (cứ 1m3 nước thải cần 10m3 nước sạch). Vì vậy, phải làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành và cần có chế tài mạnh đối với những đối tượng gây ô nhiễm.
Nguyễn Dũng