Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Sáng 27/9, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức diễn đàn "Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp Thủ đô” nhằm trao đổi về các chính sách mới, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh |
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, từ tháng 6/2016, Hà Nội thực hiện đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 2 ngày làm việc (trước 1 ngày so với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp) đối với quá trình giao dịch qua mạng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đăng ký doanh nghiệp qua mạng, phấn đấu thực hiện giải quyết hồ sơ đăng ký qua mạng chiếm 30% – 40% tổng số hồ sơ.
Trong lĩnh vực thuế, tính đến ngày 31/5, đã có hơn 119.000 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký kê khai qua mạng, trong đó có hơn 112.000 doanh nghiệp, chiếm hơn 97% doanh nghiệp phải kê khai qua mạng. Tính đến ngày 27/5, đã có hơn 110.000 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, chiếm 95,7% số doanh nghiệp đang hoạt động.
Hà Nội cũng đã triển khai xây dựng cơ chế một cửa liên thông, kết nối điện tử, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản còn dưới 14 ngày trong năm 2016; tiếp tục đơn giản hóa các quy trình cung cấp dịch vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng...
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Thành phố, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Sở, ban, ngành, các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp thu thập, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Qua đó, đề xuất, xây dựng, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, biện pháp hỗ trợ như triển khai các kế hoạch cải cách hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính; xác định chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính của Sở Công Thương năm 2016.
Kết quả, Sở đã rà soát, chuẩn hóa 67 thủ tục hành chính (TTHC) đang thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hiện tiếp tục hoàn thiện 60 TTHC, 7 thủ tục xây dựng lại để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành có hiệu lực. Hiện Sở đã cắt giảm 25% toàn bộ thời gian của các TTHC, đến nay TTHC gồm 13 lĩnh vực công thương, trong đó có 5 TTHC cấp độ 3.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tích cực triển khai tổ chức giao ban, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất thương mại, xuất khẩu trên địa bàn TP.Hà Nội; tích cực triển khai chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và làng nghề xây dựng, phát triển thương hiệu;...
Ông Hải cho biết, thông qua diễn đàn này, Sở Công Thương và các Sở, ban, ngành Thành phố mong muốn được lắng nghe những ý kiến phản ánh vướng mắc, khó khăn và những đề xuất, kiến nghị từ các doanh nghiệp Hà Nội để có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp, để doanh nghiệp Hà Nội có những đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách, TTHC, thuế, hải quan,...
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho biết: "Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nói lên những khó khăn, hạn chế của các chính sách ban hành để cơ quan nhà nước điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với hoạt động của doanh nghiệp. Cũng thông qua chương trình, các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi trực tiếp với lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội, qua đó tăng tính liên kết, đoàn kết hợp tác cùng phát triển giữa các doanh nghiệp".
Kim Liên