Cần chế tài đủ mạnh trong công tác phòng chống cháy nổ

06/08/2022 11:40 AM

(Chinhphu.vn) - Trước thực trạng xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác phòng cháy, chữa cháy tại Hà Nội được đề cao hơn nữa với các giải pháp và chế tài đủ mạnh để đảm bảo an toàn cho người dân.

Cần chế tài đủ mạnh trong công tác phòng chống cháy nổ - Ảnh 1.

Cảnh sát nỗ lực dập lửa trong đám cháy ở phường Quan Hoa. Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo Công an thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Thủ đô xảy ra 206 vụ cháy (trong đó có 5 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy nghiêm trọng...). Điều đáng nói, có đến 134/146 vụ cháy trong thời gian trên đã được làm rõ nguyên nhân là do gặp sự cố từ hệ thống, thiết bị điện gia đình, kho xưởng. số vụ cháy trên địa bàn đã tăng 3 vụ, tăng 1 người chết so với cùng kỳ năm 2021. 

Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư không chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn đưa công trình vào sử dụng. Ngoài ra, toàn thành phố Hà Nội có tới 120.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp làm nhà ở riêng lẻ, càng nhân lên nỗi lo thường trực về cháy, nổ.

Từ không đảm bảo an toàn PCCC đến chủ quan, lơ là

Tuần qua, người dân Thủ đô vẫn không khỏi đau xót, tiếc nuối trước sự hi sinh dũng cảm của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Thành phố tại quán karaoke ISIS, số 231 Quan Hoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy). Mặc dù đã hướng dẫn 8 người bị nạn thoát ra ngoài an toàn nhưng khi 3 chiến sĩ lên tới tầng 4 của quán thì các vật liệu làm trần giả, vật liệu trang trí bên trong nhà đã sập xuống cầu thang bộ làm cả 3 chiến sĩ hy sinh.

Ngày 29/7/2017, tại xưởng sản xuất bánh kẹo nằm ven quốc lộ 32, xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) cũng đã xảy ra cháy làm 8 người chết... Còn cách đây gần 6 năm, đám cháy tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy cũng đã cướp đi sinh mạng của 13 người, do vật liệu xây dựng, ốp tường, ốp cách âm được làm bằng nguyên vật liệu dễ cháy, biển quảng cáo cao gây khó khăn cho việc chữa cháy.

Nguyên nhân vụ cháy trên được xác định, trong lúc thợ hàn dùng máy hàn thổi lửa cắt bản lề cánh cửa ra vào phòng hát tại tầng 2 (tầng đang thi công) nhưng không sử dụng các dụng cụ che chắn, bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy khiến lửa vảy hàn bắn vào phần ốp cách âm, gây cháy.

Rõ ràng, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến các vụ hỏa hoạn là do điện và những vụ cháy đau thương trên là do không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình hàn xì, sửa chữa, xây dựng, cải tạo nhà cửa, cơ sở kinh doanh...

Nhiều người đã đặt câu hỏi vậy trách nhiệm của chính quyền, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ trong công tác phòng cháy chữa cháy và của chủ nhân quán karaoke này, đến đâu? Tại sao vẫn ở quận Cầu Giấy và tại sao vẫn là quán karaoke?

Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Công tác phòng cháy (Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an) cho biết, tình trạng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (karaoke, bar, cà phê, nhà hàng…) hiện nay diễn ra khá phổ biến. Mặt khác, nhiều cơ sở kinh doanh nằm xen lẫn trong khu dân cư, mật độ dân số rất lớn thường chưa đáp ứng về yêu cầu đường giao thông, nguồn nước chữa cháy và khoảng cách an toàn giữa các nhà. Nhiều cơ sở hoạt động trong thời gian rất dài trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có hiệu lực, chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, nên không bảo đảm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.

"Bên cạnh đó, lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy tuyến cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu về "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ). Đặc biệt, khi tổ chức tập huấn về phòng cháy, chữa cháy thì lực lượng trong độ tuổi lao động ít tham gia vì nhiều lý do dẫn đến khi xảy ra sự cố cháy, nổ, việc chữa cháy ban đầu tại cơ sở rất lúng túng. Đây cũng là nguyên nhân gây thương vong, cháy lan khi cháy, nổ xảy ra", Trung tá Lê Minh Hải nhấn mạnh.

Chị Nguyễn Hồng Anh sinh sống tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy cho rằng, ngay tại thời điểm này, cần thử kiểm tra các quán karaoke đang hoạt động trên địa bàn Thành phố xem có bao nhiêu quán đáp ứng đầy đủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là có lối thoát hiểm đủ an toàn trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra. 

Theo chị Hồng Anh, nếu tăng cường công tác kiểm tra thì rủi ro sẽ được giảm thiểu. Đồng thời, các cơ quan hữu trách cũng nên rà soát lại hệ thống các quy phạm pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, để những quy định nào chưa "đủ độ" thì bổ sung và những quy định nào còn rườm rà, không cần thiết và gây phiền nhiễu cho người dân, doanh nghiệp thì lược bỏ.

Cần chế tài đủ mạnh trong công tác phòng chống cháy nổ - Ảnh 2.

Các lực lượng chức năng của huyện Thanh Oai diễn tập sơ cứu cho người bị thương trong đám cháy. Ảnh: VGP/Minh Anh

Cần có chế tài đủ mạnh xử lý vi phạm PCCC 

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả, duy trì thường xuyên công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; quyết tâm kiềm chế, làm giảm số vụ cháy và thiệt hại về người, tài sản do cháy gây ra đối với loại hình này, UBND TP. Hà Nội vừa yêu cầu Công an Thành phố tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố hoàn thiện thể chế thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH; tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện đối với các vụ cháy; chỉ rõ các tồn tại, hạn chế để đề ra giải pháp khắc phục.

Đối với các đơn vị, địa phương để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, Công an TP. Hà Nội cần phối hợp Văn phòng UBND Thành phố xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, đề xuất hình thức xử lý trong trường hợp có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, không triển khai đầy đủ các nội dung, biện pháp mà UBND Thành phố đã chỉ đạo. Trường hợp xác định có dấu hiệu của tội phạm thì phải điều tra, xử lý.

Thành phố cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu về kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC, nhất là việc vận động để 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn chưa có "lối thoát nạn thứ 2" phải mở "lối thoát nạn thứ 2".

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, việc sửa chữa hoặc làm mới các quán karaoke thường do chủ quán thuê thợ về làm, luật pháp không cấm. Tuy nhiên, người quản lý lao động, thợ hàn và chủ quán luôn cần đề cao cảnh giác và đặc biệt phải chấp hành nội quy PCCC. Đó là khi thợ hàn tiến hành công việc hàn xì, nếu ở trên cao phải che chắn bằng vật liệu không cháy để không cho các đốm lửa từ vết hàn xì, vết cắt bay vào khu vực dễ cháy. Tức là những khu vực này phải che chắn, gom những đốm lửa đó vào một khu tập trung, tránh để xảy ra cháy. Quy định là vậy nhưng do không được giám sát chặt nên tình trạng mất an toàn lao động, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ vẫn xảy ra.

Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo, người dân, người quản lý lao động, thợ hàn và chủ các cơ sở kinh doanh... luôn cần đề cao cảnh giác và đặc biệt phải chấp hành nội quy PCCC. Thợ hàn phải được tập huấn về nghiệp vụ PCCC. Người quản lý và chủ cơ sở kinh doanh cần sử dụng những người thợ hàn có chứng chỉ về công việc hàn...

Khi xảy ra cháy, người hàn xì và người theo dõi phải bình tĩnh ứng phó với sự cố... xây dựng và cải tạo nhà ở nói chung và nhà phố, nhà ống nói riêng cần hết sức lưu ý phải có tối thiểu 2 lối thoát nạn. Một lối thoát nạn ra mặt trước ngôi nhà (cửa chính). Còn lối thoát nạn thứ hai có thể là qua ban công, qua nhà hàng xóm, lên sân thượng, qua mái, công trình lân cận.

Trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, người dân cũng phải sắp xếp hàng hóa đồ đạc trong nhà gọn gàng, đảm bảo không cản trở cầu thang, lối thoát nạn ra cửa đề phòng khi xảy ra hỏa hoạn.

Minh Anh




Top