Cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia, để tăng kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường không nên phụ thuộc vào một số thị trường, qua đó duy trì kim ngạch xuất khẩu cao.

TP. Hà Nội sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: VGP/BP
Thống kê cho thấy, xuất khẩu Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn khi vẫn tập trung đa phần vào một số thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc…, trong khi những thị trường đã có những thay đổi chính sách nhập khẩu, đồng thời lạm phát thế giới tăng cao, đã làm cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, khiến doanh nghiệp thiếu đơn hàng.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hà Nội từ đầu năm đến nay đã có sự tăng trưởng khi xuất khẩu lượng hàng hóa đạt 2.748 triệu USD. Trong đó, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể hàng dệt, may đạt 388 triệu USD, tăng 31%; máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 386 triệu USD, tăng 14,1%; hàng nông sản đạt 224 triệu USD, tăng 3,8%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 141 triệu USD, tăng 24,5%; giầy dép và các sản phẩm từ da đạt 77 triệu USD, tăng 42,7%....
Đặc biệt, doanh nghiệp Hà Nội đã khẳng định sự tăng trưởng lớn mạnh thông qua việc giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu, giảm dần sự lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI khi kim ngạch xuất khẩu khi đạt kim ngạch xuất khẩu 1.118 triệu USD. Kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để tăng kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường không nên phụ thuộc vào một số thị trường, qua đó duy trì kim ngạch xuất khẩu cao.
Hoa Kỳ-thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đang đưa ra những chính sách tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu có thể gây ra những biến động trong thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Do đó để tăng kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải tận dụng các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng thị trường.
Về phía doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Lê Anh Tuấn cho biết, để tăng kim ngạch xuất khẩu, Hapro đã cố gắng tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu.
Cùng với đó, Hapro chủ động nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản... Thông qua việc đa dạng hóa thị trường, hiện các mặt hàng của Hapro đã được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội đã chủ động có những kế hoạch, phương án để có thể vượt qua những biến động thuế quan của Hoa Kỳ. Trước mắt, phía hiệp hội đã hỗ trợ thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời về các quy định, tình hình thuế quan cho doanh nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp bám sát diễn biến kinh tế, nắm bắt và đánh giá tình hình của ngành hàng mình xuất khẩu để có kế hoạch sản xuất hợp lý.
"Để nâng cao nội lực cho doanh nghiệp, một trong những giải pháp vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay là hỗ trợ việc đầu tư vào công nghệ, đây là giải pháp then chốt giúp doanh nghiệp mạnh lên. Các doanh nghiệp cần có những công cụ giúp nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa bằng chất lượng và giá thành, phát huy tối đa năng lực kiểm soát chi phí...", ông Mạc Quốc Anh khẳng định.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội Nguyễn Vân kiến nghị, Thành phố cần tiếp tục có giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó, chú trọng công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư dự án công nghiệp lớn nhằm gia tăng năng lực sản xuất. Hà Nội cần tập trung hỗ trợ việc xây dựng các tổ hợp nhà máy ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với những khó khăn do biến động thuế quan, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, thay đổi trong chính sách thương mại của các nước lớn, trao đổi thường xuyên với các doanh nghiệp về nhu cầu thị trường. Sở sẽ nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu các biện pháp hỗ trợ, ứng phó phù hợp theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND Thành phố.
Về lâu dài, Thành phố sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh; quảng bá các sản phẩm xuất khẩu, có tiềm năng của Hà Nội và cả nước đến các doanh nghiệp, tổ chức, bạn bè quốc tế, kết nối doanh nghiệp với các đối tác trong và ngoài nước...
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Hà Nội tìm bạn hàng, đối tác để có thể xuất khẩu hàng hóa trực tiếp sang thị trường nước ngoài. Thành phố tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp rút ngắn thời gian, chi phí, tranh thủ nắm bắt cơ hội kinh doanh…
Bích Phương