Cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ công nhân lao động Thủ đô

29/05/2022 8:46 AM

(Chinhphu.vn) - Sau dịch COVID-19, tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm của người lao động dần đi vào ổn định, tuy nhiên Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã phản ánh, thu nhập công nhân lao động chưa đáp ứng sinh hoạt tối thiểu, còn thiếu nhà ở, còn nhiều doanh nghiệp chây ì, nợ đọng BHXH…

(cuối tuần) Cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ công nhân lao động Thủ đô - Ảnh 1.

Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh thăm gia đình công nhân lao động tại khu nhà ở Kim Chung, huyện Đông Anh - Ảnh: VGP/Gia Huy

Người lao động phải làm thêm giờ, còn tăng ca quá quy định

Tại cuộc gặp gỡ của Chủ tịch TP. Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô vừa diễn ra, Liên đoàn Lao động Thành phố và đại diện công nhân lao động Thủ đô đã phản ánh những vấn đề còn tồn tại sau dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến đời sống người lao động.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, Hà Nội có khoảng 326.000 doanh nghiệp với trên 2,5 triệu lao động); trong đó có 9 Khu CN&CX và Khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp, 165.000 Lao động.

Tình hình kinh tế-xã hội Thủ đô đầu năm 2022 đã có nhiều khởi sắc; dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn đã được kiểm soát; tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm của người lao động dần đi vào ổn định. Tình hình an sinh xã hội, Quan hệ lao động và đời sống việc làm của đoàn viên, người lao động trên địa bàn Thành phố tương đối ổn định.

Về tiền lương, tiền thưởng, do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19, bên cạnh số ít các doanh nghiệp thực hiện được tương đối tốt hai nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thì phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản..

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành Thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh. Trong 4 tháng đầu năm 2022, với tinh thần nỗ lực vượt khó, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương cho người lao động.

"Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp hoạt động ổn định, góp phần bảo đảm đời sống cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội", ông Lê Đình Hùng cho biết.

Tiền lương bình quân của người lao động tăng từ 7,37% -13,49% so với cùng kỳ năm 2021: Lao động làm việc trong Công ty TNHH MTV do NN nắm giữ 100% vốn Điều lệ có mức thu nhập bình quân là 6,8 triệu đồng, tăng 13%, tương ứng tăng 800 nghìn đồng; lao động làm việc trong Công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước thu nhập bình quân là 6,7 triệu đồng (tăng 11,67%, tương ứng tăng 700 nghìn đồng); lao động làm việc trong khối doanh nghiệp dân doanh thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng (tăng 7,37% tương ứng là 450 nghìn đồng).

Lao động làm việc trong khối doanh nghiệp FDI thu nhập bình quân 7,1 triệu đồng (tăng 13,49%, tương ứng 950 nghìn đồng). Tiền thưởng dịp Lễ, Tết của người lao động từ 200 nghìn đồng/người - 150 triệu đồng/người.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội cho biết, để đạt được mức thu nhập như trên, người lao động phải làm thêm giờ, tăng ca, thậm chí làm thêm quá giờ qui định. Tuy nhiên, với mức thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do người lao động phải chịu nhiều chi phí như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa thị trường tăng cao.

(cuối tuần) Cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ công nhân lao động Thủ đô - Ảnh 2.

Tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm của người lao động 4 tháng đầu năm 2022 dần đi vào ổn định - Ảnh: VGP/Gia Huy

Người lao động vẫn thiếu nhà ở

Về nhà ở của người lao động, Hà Nội có 9 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 160.000 lao động, phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 60%).

Tuy nhiên, hiện nay mới có 3 khu công nghiệp: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, phần lớn công nhân lao động phải đi thuê và sống trong các phòng trọ chật chội, thiếu thốn các điều kiện, mức giá thuê trọ cao đã tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội...

Theo ông Lê Đình Hùng, với tốc độ phát triển kinh tế của Thủ đô hiện nay, số lượng nhu cầu về nhà ở của lao động lớn, thực tế nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên thu nhập của người lao động bị giảm sút, vấn đề nhà ở cho công nhân lao động càng khó khăn hơn.

Trước thực tế đó, Trung ương và Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động, chủ yếu người lao động tại các khu công nghiệp như: Giảm giá thuê nhà trọ, giảm giá điện, nước ...; vận động doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại nhà máy, xí nghiệp, hỗ trợ kinh phí thuê nhà.

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi 12.200 tỷ đồng, hỗ trợ trên 25.400 lượt công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ kinh phí cho công nhân thuê trọ không về quê.

Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp du lịch, thương mại dẫn đến tình trạng nợ đóng BHXH tăng cao. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Tính đến hết tháng 4/2022, tỷ lệ nợ BHXH toàn Thành phố là 9,13% so với số phải thu, tương ứng 5.191,9 tỷ đồng, ảnh hưởng đến trên 512.000 người lao động. Trong đó, riêng nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể chiếm 34,6% tổng số tiền nợ.

Cũng theo Liên đoàn Lao động Hà Nội, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật về mức lương tối thiểu vùng, các qui định về thời giờ làm việc, hỗ trợ bổ sung nhiều khoản trợ cấp cho người lao động... Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố chấp hành các quy định về pháp luật lao động chưa được nghiêm: Tỷ lệ doanh nghiệp thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể chưa cao (đạt 46,81%), tỷ lệ các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động đạt 62,38%, nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng thang bảng lương, hoặc xây dựng còn thiếu rõ ràng…

Đặc biệt, thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện một số doanh nghiệp có những hành vi vi phạm pháp luật lao động kéo dài trong quá trình triển khai các nội dung giao kết và thực hiện hợp đồng lao động như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các điều kiện làm việc, trang cấp bảo hộ lao động, huấn luyện an toàn lao động, khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ…

Trong 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 2 vụ ngừng việc tập. Nguyên nhân ngừng việc chủ yếu phát sinh từ vấn đề lương, thưởng của người lao động.

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, Liên đoàn Lao động Thành phố đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Thành phố kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Các cấp, các ngành Thành phố đã phối hợp giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động, qua đó hầu hết các yêu cầu hợp pháp, chính đáng của người lao động đã được giải quyết, doanh nghiệp hoạt động trở lại ổn định, không để tình trạng ngừng việc tập thể kéo dài, phức tạp, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Liên đoàn Lao động Thành phố đã nêu một số kiến nghị với UBND Thành phố nhằm tiếp tục thực hiện chính sách đối với công nhân lao động, tập trung vào một số vấn đề như: Giải quyết tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH tại một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân lao động; bảo đảm ổn định đời sống, việc làm công nhân lao động các doanh nghiệp công ích, các công ty khai thác công trình thủy lợi của Thành phố; tiếp tục giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động bị COVID-19; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…

Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Thành phố đã đề nghị chính quyền các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp trây ỳ, nợ lương, nợ đóng BHXH, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, vì sự công bằng, bình đẳng trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Thực hiện, kế hoạch này, các ngành Thành phố đang tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai, phối hợp triển khai thực hiện rà soát, đôn đốc, chấn chỉnh. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT, Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp tại 33 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Gia Huy

Top