Cần điều chỉnh quy hoạch thông minh, công khai minh bạch
(Chinhphu.vn) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc khu đô thị Ciputra và khu Đoàn Ngoại giao là cần thiết, tuy nhiên cần điều chỉnh thông minh, tuân thủ đúng theo quy trình, thủ tục công khai minh bạch, theo trình tự rõ ràng, phải lấy ý kiến tư vấn của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia và của người dân.
Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh báo chí phản ánh hoàng loạt các khu đô thị được coi là kiểu mẫu, nơi đáng sống nhất Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch, đặc biệt là khu đô thị Ciputra và khu Đoàn Ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Cụ thể, các hộ dân Ciputra kiến nghị khẩn cấp về điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số lô đất thương mại, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng. Còn cư dân tại khu Đoàn Ngoại giao đã bức xúc suốt 2 năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, phản đối chủ đầu tư thay đổi quy hoạch, tăng tầng, tăng tòa nhà, thay đổi công năng sử dụng của một số lô đất công cộng, dịch vụ.
Cư dân tại Ciputra cho rằng, khi bỏ tiền ra mua căn hộ ở đây là mua tất cả tiện ích, không gian và hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, khi có đề xuất thay đổi quy hoạch, nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan, môi trường, khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật xã hội và chất lượng sống...
Đại diện cư dân, ông Đỗ Đức Du (trú tại Khu đô thị Nam Thăng Long) cho rằng, việc thay đổi mục đích sử dụng đất sẽ làm tăng sức ép lên hạ tầng cơ sở. Nhà ông Du mua với giá 2.500 USD/m2, rộng 140 m2, ông đã chi ra một khoản tiền lớn để được sống ở đây. Khi mua ông đã tính đến hạ tầng, mua cả không gian sống.
Còn theo phản ánh của người dân khu Đoàn Ngoại giao, nhiều người dân ở đây không đồng ý việc thay đổi quy hoạch, xây bệnh viện u bướu trong khu đô thị. Ông Phạm Văn Tuấn, cư dân tại khu Ngoại giao đoàn cho hay, tháng 3/2017, công trình bệnh viên u bướu được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc khởi công xây dựng công trình bệnh viện này còn diễn ra trước khi ô đất ĐMKT được UBND TP. Hà Nội ra quyết định điều chỉnh quy hoạch thành khu đất xây dựng bệnh viện là không đúng quy định pháp luật.
“Đến nay, dù cư dân khu đô thị Đoàn Ngoại giao phản đối nhưng công trình xây dựng bệnh viện vẫn được triển khai. Người dân chúng tôi đặt câu hỏi về tính minh bạch của việc xây dựng bệnh viện trước khi quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt”, ông Tuấn nói.
Cho ý kiến xung quan sự việc này, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trong trường hợp này có thể người dân suy nghĩ rằng, việc thay đổi quy hoạch sẽ làm hệ thống dân cư tăng lên, thay đổi cả một hạ tầng đô thị, cây xanh…làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, người dân không muốn thay đổi quy hoạch, không thể tránh được việc người dân nghĩ rằng việc điều chỉnh quy hoạch làm tăng hiệu quả cho nhà đầu tư, nhà đầu tư đang dẫn dắt quy hoạch. Trong trường hợp này không thể trách người dân, vì người dân làm và sống theo pháp luật.
Theo ông Chính, cần phải hiểu rõ căn nguyên về những vấn đề của đô thị. Công tác quy hoạch đô thị là cả một quá trình phát triển. Trong quy hoạch có mấy bộ luật, trước là Luật Xây dựng, sau là Luật Quy hoạch đô thị. Khi chưa có Luật Quy hoạch đô thị thì Luật Xây dựng bao gồm cả Luật về quy hoạch đô thị. Năm 2009 Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị, trong khi đó quy hoạch của khu đô thị Ciputra được TP. Hà Nội phê duyệt từ năm 2004, trước khi thông qua Luật Quy hoạch đô thị. Về lý luận quy hoạch, công tác và kinh nghiệm thế giới, lúc chưa có luật, thì người ta vẫn làm theo hướng, quy hoạch khi được duyệt rồi thì vẫn có thể có những điều chỉnh, chứ không phải cứ tuân theo quy hoạch từ cách đấy 20 năm.
Về cơ sở pháp lý, ông Trần Ngọc Chính cho rằng việc điều chỉnh là đương nhiên, nằm trong hệ thống pháp luật quy hoạch đô thị. Luật đã quy định rõ ràng cụ thể, điển hình là trong Luật Quy hoạch đô thị, tại chương điều chỉnh quy hoạch có nêu rõ: Nếu quy hoạch chung thì cần phải điều chỉnh 5 năm/lần. Đối với quy hoạch phân khu cũng vậy, vì trong 5 năm đó có sự phát triển, thay đổi về kinh tế - xã hội, có nhiều dự án đầu tư của nước ngoài muốn đến Hà Nội để đầu tư, việc này cũng làm đa dạng, phong phú các dịch vụ phục vụ cho nhu cầu cuộc sống.
Hà Nội cũng đã nhìn ra, có những nhu cầu về phát triển mà 5 năm trước không nhìn thấy. Ví dụ như cần mở đường rộng ra, hoặc làm bãi xe ngầm để đỗ xe, trồng thêm cây xanh, thêm trường học, hoặc thậm chí làm tăng thêm dân cư. Bên cạnh đó, vấn đề về biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của mưa lũ, bão lụt cũng cần phải nghiên cứu lại quy hoạch đó cho phù hợp. Hoặc bản thân cư dân đô thị sống ở đó cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, chưa tốt, quy hoạch cần điều chỉnh để có thêm những công trình, dịch vụ, xã hội, siêu thị, bệnh viện…
Đặc biệt đối với khu đô thị Ciputra và khu Đoàn Ngoại giao. Theo ông Chính, trong tương lai 2 khu vực này sẽ trở thành những khu rất quan trọng của Hà Nội. Khu vực này có trục giao thông quan trọng, giá trị rất cao về mặt giao thông, là điểm nhấn về kiến trúc, thương mại dịch vụ, giao tiếp quốc tế, điểm nhấn giao thông đặc biệt của Hà Nội, làm sáng lên một Hà Nội hiện đại với một tổ hợp đô thị kiến trúc đẹp. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần điều chỉnh đúng, thông minh để phục vụ cho nhu cầu, cuộc sống của người dân theo hướng tốt hơn. Trong quá trình điều chỉnh phải tuân thủ quy trình, thủ tục công khai, minh bạch, theo trình tự rõ ràng, phải lấy ý kiến tư vấn của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia. Đặc biệt là phải lấy ý kiến của người dân, tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư, tránh tình trạng để người dân hiểu lầm, bức xúc, phản ánh. Trong trường hợp chưa thực hiện đầy đủ thủ tục thì phải bổ sung, xin ý kiến người dân để hoàn thiện hồ sơ.
Được biết, Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra có quy mô 301 ha được đầu tư bởi Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long, một liên doanh giữa Tổng Công Ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Đô thị (Việt Nam) và Tập đoàn Ciputra (Indonesia). Đây là một trong những dự án đồng bộ cao cấp đầu tiên được xây dựng tại Hà Nội với đầy đủ tiện ích, dịch vụ.
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch trong khu đô thị Ciputra do chủ đầu tư xây dựng, một ô đất trước quy hoạch 5 tòa nhà với chiều cao từ 5 đến 47 tầng thì nay được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 đến 68 tầng.
Một lô đất diện tích gần 13.400 m2 có chức năng bãi đỗ xe nay xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm bãi đỗ xe và kết hợp kinh doanh thương mại. Còn tại ô đất TM-13 diện tích gần 55.000 m2, vốn quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ thì nay được đề xuất chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng với dân số gần 3.000 người.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP. Hà Nội xem xét, xử lý theo thẩm quyền, mới đây Hà Nội đã chỉ đạo giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các UBND quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát, đối thoại trực tiếp với cư dân về quy hoạch khu đô thị Ciputra và Ngoại giao đoàn.
Thùy Chi