Cần giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cấp có thẩm quyền
(Chinhphu.vn) - Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp nào thì phải giải quyết dứt điểm, thấu đáo ngay từ cấp đó, tránh vượt cấp. Những vụ việc khó nên tồn đọng kéo dài, qua nhiều cơ chế chính sách thì phải có thống kê, phân loại, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc của từng vụ việc.
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh tại cuộc họp giám sát chuyên đề của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội về "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội" tổ chức chiều 10/3.
Thông tin tại cuộc họp cho thấy, thời gian qua, Thanh tra Thành phố là cơ quan trực tiếp tham mưu, giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Bên cạnh đó, tham mưu xây dựng nhiều văn bản, quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn UBND cấp huyện trong xử lý và giải quyết đơn; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm chủ tịch UBND cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện.
Từ 01/7/2016 đến 01/7/2021, cấp Thành phố đã tiếp nhận 3.216 vụ việc, đã giải quyết 3.143 vụ việc, đang giải quyết 73 vụ việc. UBND các quận, huyện cũng đã tiếp nhận, xem xét, phân loại các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền và thụ lý giải quyết theo quy định.
Các quận, huyện đã thường xuyên chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, kiện toàn các tổ công tác giúp việc để tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài; xây dựng quy chế phối hợp, xác định rõ nội dung, nguyên tắc, phương thức và trách nhiệm phối hợp trong công tác.
Trong đó, quận Tây Hồ đã giải quyết 284/287 vụ việc; quận Nam Từ Liêm đã giải quyết 850/873 vụ việc; huyện Quốc Oai đã giải quyết 150/154 vụ việc; huyện Sóc Sơn đã giải quyết 103/107 vụ việc... Đối với các vụ tố cáo của các đơn vị được giải quyết đúng hạn, quận Tây Hồ đã giải quyết 131/131 vụ việc; quận Nam Từ Liêm đã giải quyết 169/170 vụ việc; huyện Quốc Oai đã giải quyết 135/146 vụ việc; huyện Sóc Sơn đã giải quyết 145/160 vụ việc.
Về tiếp công dân, Thanh tra Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các quận, huyện thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp công dân định kỳ, tiếp đột xuất; cơ bản đã thực hiện quy định việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan.
Qua tiếp công dân và tiếp nhận, đơn thư của công dân đã được phân loại và xử lý cơ bản đảm bảo quy định. Tỷ lệ đơn thư khiếu tại, tố cáo không cao; tỷ lệ đơn kiến nghị phản ánh và đơn trùng, đơn không đủ điều kiện lớn. Việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết cơ bản đúng thẩm quyền.
Tại cuộc họp, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ các tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các đơn vị. Trong đó, công tác phối hợp xem xét, giải quyết và tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo có hiệu lực và chỉ đạo giải quyết kiến nghị phản ánh của công dân chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ và hiệu quả chưa cao.
Vẫn còn tình trạng Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân thay (theo quy định của Luật Tiếp công dân chủ tịch phải trực tiếp tiếp công dân). Việc phân loại đơn thư vẫn còn tồn tại như phân loại đơn thư chưa đúng, ghi chép sổ sách không đầy đủ, theo dõi thiếu chặt chẽ, nhất là thời hạn giải quyết, trả lời...
Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận các đơn vị đã cố gắng để giải quyết nhiều vụ việc khó, phức tạp, quan trọng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả giải quyết liên quan đến tiếp công dân, khiếu nại tố cáo đều đạt tỷ lệ cao.
Nhấn mạnh việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là chủ đề khó, phức tạp, được Trung ương và Thành phố hết sức quan tâm, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội đề nghị UBND TP và các sở, ngành, quận, huyện rà soát lại toàn bộ công tác này. Tiếp thu ý kiến tại buổi làm việc để bổ sung số liệu, hoàn thiện báo cáo, làm rõ các nội dung, đảm bảo đầy đủ gửi đoàn giám sát trước ngày 15/3 để Đoàn tổng hợp, gửi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 20/3.
Theo Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, các vụ việc cần giải quyết ngay từ cơ sở để không tạo nên bức xúc, dẫn đến khiếu nại đông người. Thẩm quyền giải quyết của cấp nào thì phải giải quyết dứt điểm, thấu đáo ngay từ cấp đó, tránh vượt cấp. Tuy nhiên, có những vụ việc khó nên tồn đọng kéo dài, qua nhiều cơ chế chính sách thì phải có thống kê, phân loại, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc của từng vụ việc.
Vì vậy, các cơ quan, đơn vị tăng cường kỷ cương của của cán bộ, công chức, viên chức, cần làm thực chất, đúng trách nhiệm, thẩm quyền, đặc biệt cần nêu cao vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền. Tập trung tuyên truyền chính sách pháp luật, tăng cường đối thoại, hoà giải. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là giám sát của cấp uỷ đảng, HĐND, MTTQ trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.
Gia Huy