Cần nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản

20/09/2022 12:27 PM

(Chinhphu.vn) - Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm nguồn nông sản phục vụ thị trường Thủ đô cũng như xuất khẩu. Vì vậy, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, trong đó trọng tâm là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này.

Cần nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản - Ảnh 1.

Việc chế biến và bảo quản nông sản sẽ giúp nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Thực tế, trong những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Theo bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh, qua 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và chế biến lúa gạo, Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh đã hợp tác sản xuất, thu mua tận nơi, chế biến và cung cấp gần 40 loại gạo đặc sản cổ truyền cùng nhiều sản phẩm lúa gạo giống mới, năng suất cao tới người tiêu dùng cả nước. Điển hình như: Gạo tám xoan Hải Hậu, nếp Tú Lệ Bảo Minh, tám Thái đỏ, tám thơm Điện Biên, gạo Séng Cù, gạo lứt huyết rồng Bảo Minh, gạo giống Nhật Bản…  Với chiến lược trở thành một tập đoàn trong tương lai không xa, gạo Bảo Minh đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới chuỗi giá trị nông nghiệp sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn, nhằm cung cấp những bữa ăn an toàn cho người Việt. Đồng thời, tiếp tục bảo tồn, phát huy và kinh doanh các loại lúa gạo đặc sản, hạn chế sự mai một, bị tuyệt chủng các giống lúa quý, và gia tăng nguồn thu kinh tế cho địa phương.

Là một trong những doanh nghiệp có quy mô vừa trong lĩnh vực chế biến, hiện nay, Công ty CP Thực phẩm 3Brothers (huyện Đông Anh) đang sản xuất hàng chục mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, trong đó nhiều nhất là giò, chả, xúc xích, dồi sụn.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Thực phẩm 3Brothers cho biết, mặc dù ra đời đúng vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn ra phức tạp (năm 2020) nhưng nhờ nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà sản phẩm của công ty vẫn đạt doanh thu 5 tỉ đồng/năm.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Khôi, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam, thành phố Hà Nội hiện có 2.689 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có hơn 400 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến. Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có 50% cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng... sử dụng máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ cao, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Đến năm 2030, Hà Nội sẽ hình thành 15 khu (cơ sở) chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển một khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định "một cửa" hỗ trợ sản phẩm xuất khẩu. Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, ngành nông nghiệp Thủ đô đang từng bước cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng gắn với các vùng nguyên liệu tập trung; đồng thời cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương, gắn với nhu cầu thị trường.  Cùng với đó là tăng cường các giải pháp thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; Tăng cường các hoạt động giám sát từ quá trình sản xuất, thu hoạch đến bảo quản, chế biến…, qua đó, quản lý chặt chẽ chất lượng nông sản.

Việc sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro bởi phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh, đặc biệt khi dịch COVID-19 tác động mạnh đến chuỗi sản xuất - cung ứng. Do vậy, phát triển công nghiệp chế biến được coi là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm nguồn nông sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Như vậy, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tạo được đột phá mới, từ đó giải quyết những tồn tại trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm chế biến nông sản của khu vực và thế giới.

Thiện Tâm

Top