Cần nguồn cung nguyên liệu ổn định để phát triển làng nghề

05/01/2023 2:23 PM

(Chinhphu.vn) - Để phát triển làng nghề bền vững, Hà Nội cần có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, chất lượng, đồng thời kết hợp với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để phát huy được thế mạnh.

Cần nguồn cung nguyên liệu ổn định để phát triển làng nghề - Ảnh 1.

Nghệ nhân Đỗ Văn Cường, Chủ tịch Hội làng nghề Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Thủ tướng hiện đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 việc "phê duyệt chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2020" với nhiều giải pháp thực hiện thiết thực, nhằm đạt được mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công do các làng nghề sản xuất. Theo quyết định này, việc phát triển nguyên liệu tập trung phục vụ làng nghề cũng như xây dựng các mô hình làng nghề tiêu biểu gắn với vùng nguyên liệu có chứng chỉ bền vững được đặc biệt ưu tiên.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội có 806 làng có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó có 270 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Các sản phẩm của làng nghề da dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: Sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, gió chả, bánh chưng, chè…).

Trong năm 2022, tại hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam do Bộ NN &PTNT tổ chức, Hà Nội đã đạt 25/48 giải thưởng, trong đó có 4/5 sản phẩm đạt giải nhất; 3 sản phẩm đạt giải nhì, 9 sản phẩm đạt giải ba và 9 sản phẩm đạt giải khuyến khích. Về đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu làng nghề, từ năm 2020 đến nay Chi cục phát triển nông thôn đã tham mưu tổ chức xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu cho 30 làng nghề, dự kiến năm 2022 sẽ tổ chức đăng ký, xây dựng thêm 10 làng nghề.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên công tác phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Cần nguồn cung nguyên liệu ổn định để phát triển làng nghề - Ảnh 2.

Hà Nội cần có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định để phát triển làng nghề bền vững. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Bàn về vấn đề nguyên liệu cung cấp cho làng nghề, theo ông Nguyễn Văn Chí, Hà Nội có 196 làng nghề sản xuất đồ gỗ và mây tre giang đan, gốm sứ, dệt may, sợi thêu ren nhưng cung nguyên liệu thiếu ổn định cả về số lượng, chất lượng và thời gian giao hàng đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làng nghề Hà Nội, nhất là khi triển khai các đơn hàng lớn, hàng xuất khẩu. Nhóm ngành nghề gốm sứ đang rất thiếu nguồn nguyên liệu, mặc dù chỉ có 5 làng nghề sản xuất mặt hàng này với hơn 4.000 doanh nghiệp hợp tác xã, hộ sản xuất cá thể, nhưng sức tiêu thụ lên tới gần 600.000 tấn nguyên liệu đất sét và cao lanh mỗi năm. 

Riêng nguyên liệu gỗ là nhóm phải nhập khẩu nhiều nhất, do các doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu trong nước. Nguồn gỗ nhập khẩu từ của nước như: Campuchia, Lào, Malaysia... không ổn định, trong lúc nguồn nhập khẩu từ các quốc gia ở các châu lục khác chi phí vận chuyển quá cao làm cho giá thành nguyên liệu tăng, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Trong khi tổng nhu cầu về nguyên liệu gỗ của các làng nghề Hà Nội lên tới hơn 1 triệu mét khối/năm. Ngành mây, tre đan xuất khẩu hiện nay có không ít cơ sở phải hoạt động cầm chừng, nhiều cơ sở thiếu nguyên liệu để sản xuất vì không chủ động được nguyên liệu đầu vào.

Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp ở các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát và gặp phải không ít những khó khăn như: Thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Để phát huy thế mạnh và phát triển làng nghề bền vững, theo ông Nguyễn Văn Chí Hà Nội đã và đang tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm, ẩm thực… Trong đó du lịch làng nghề đang được quan tâm theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh. Thành phố hỗ trợ, tạo thuận lợi về các thủ tục cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển sản phâm du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; phê duyệt nhiệm vụ thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, từ đó phát huy vai trò của du lịch với phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

Bên cạnh đó cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu: Dành quỹ đất để xây dựng các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề nhằm di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào sản xuất tập trung; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; điều chỉnh giảm giá thuê đất đối với các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn trong các cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu sản xuất tập trung phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn. Định hướng phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề. Đồng thời hỗ trợ phát triển các nguồn nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, phù hợp quy chuẩn quốc tế và nguồn liệu thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về ngành nghề, làng nghề nông thôn tại các địa phương trên toàn quốc xây dựng chuỗi liên kết ổn định từ tạo vùng nguyên liêu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngành nghề trên địa bàn. Đồng thời, tạo sự gắn kết, hợp đồng chặt chẽ để vùng nguyên liệu và các cơ sở sản xuất cùng giúp đỡ nhau phát triển, tạo thu nhận ổn định cho người lao động, góp phần tích cực cho việc xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thiện Tâm

Top