Cần những chế tài nghiêm khắc xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng
(Chinhphu.vn) - Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng sai phép, không phép kéo theo một loạt những hệ lụy như gia tăng dân số, áp lực giao thông, rác thải, ô nhiễm môi trường, gây bức xúc dư luận. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có những chế tài nghiêm khắc để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng kéo dài.
Tòa nhà vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực. Ảnh: Thùy Chi |
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 19.697 công trình, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỷ lệ hơn 3%).
Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành 172 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số gần 5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 13,5 tỷ đồng. Hàng loạt công trình vi phạm qua nhiều năm vẫn không được xử lý triệt để gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn Hà Nội còn 37 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ các năm 2015 và 2016 thuộc địa bàn 15 quận, huyện. Ðã có gần 100 cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường bị kỷ luật và cách chức, nhiều cán bộ thanh tra xây dựng bị xử lý vì để xảy ra vi phạm.
Trong đó, quận Hoàn Kiếm đứng đầu với 8 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng, Hai Bà Trưng (6 trường hợp), Thanh Xuân (5 trường hợp), Ba Đình và Thanh Trì (3 trường hợp)…
Trước những vi phạm trật tự xây dựng kéo dài, lãnh đạo một số quận, huyện, đơn vị chức năng cho rằng, do chủ đầu tư cố tình tránh né, chây ì. Điển hình là dự án sai phạm 8B Lê Trực (quận Ba Đình), do sự chây ì của chủ đầu tư nên dự án đã bị chậm trễ trong thời gian dài. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa đoạn đường Trần Phú (quận Ba Đình) dài gần 200 m chạy ngang qua tòa nhà 8B Lê Trực để tháo dỡ tầng 17 và 18 của công trình có nhiều sai phạm này và đây cũng là giai đoạn 2 của việc xử lý những vi phạm tại công trình 8B Lê Trực. Do chủ đầu tư không hợp tác nên lực lượng chức năng phải cưỡng chế mở khóa cửa các căn hộ tại tầng 18 công trình số 8B Lê Trực.
Sau khi hoàn thành tháo dỡ các thiết bị, vật dụng trong các căn hộ tại tầng 18, dự kiến trong tuần này, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam sẽ tiếp quản mặt bằng và tiến hành phá dỡ những phần liên quan tới kết cấu công trình theo phương án đã được phê duyệt. Sau khi phá dỡ xong tầng 18, cơ quan chức năng tiếp tục lên phương án tháo dỡ tầng 17.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần phải có những chế tài nghiêm khắc, kiên quyết để xử lý dứt điểm tình trạng này. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, thực trạng vi phạm trật tự xây dựng đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM là vấn đề tồn tại từ lâu. Trong suốt một thời gian dài, người dân và dư luận không khỏi bức xúc và có những hoài nghi xung quanh công tác quản lý trật tự xây dựng của chính quyền sở tại.
Theo ông Hùng, các cấp quản lý nhà nước phải có thái độ rất kiên quyết trong việc quản lý, xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng. Các tỉnh, thành phố làm sai Bộ xây dựng phải “thổi còi”, báo cáo Thủ tướng; quận, huyện làm sai tỉnh, thành phố phải xử lý; phường, xã làm sai quận, huyện phải xử lý. Đồng thời, nhà nước cần tập trung nguồn nhân lực, kinh phí lập và duyệt quy hoạch phân khu. Đặc biệt là quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị (hiện mới đạt chưa đến 40%) và công khai minh bạch tạo điều kiện quản lý và triển khai thực hiện, chống được cơ chế “xin - cho” trong cấp phép xây dựng.
Bên cạnh đó, Thanh tra xây dựng các cấp cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm. Thanh tra Bộ Xây dựng cần tập trung thanh tra, làm điểm tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM để làm rõ trách nhiệm của các cấp cơ quan quản lý nhà nước...
Để xử lý dứt điểm tình trạng các vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Văn bản 1316/SXD-TTr đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP. Hà Nội về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng đã được đưa ra xem xét và đang hoàn thiện. Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, trước thực trạng quản lý xây dựng còn nhiều bất cập, cần tìm rõ nguyên nhân và cần có quy định đủ mạnh để xử lý dứt điểm các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng.
Thùy Chi