Cần quyết liệt xử lý dứt điểm nạn ‘cát tặc’ tại các địa phương

08/12/2020 12:27 PM

(Chinhphu.vn) – Hiện thành phố Hà Nội vẫn còn 13 điểm khai thác cát trái phép, tuy nhiên, việc xử lý vi phạm chưa hiệu quả bởi chế tài xử phạt còn nhẹ; công tác truy tố, xét xử còn gặp khó khăn vì nhiều thủ tục, quy định. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong quản lý giữa các địa phương vẫn chưa đạt hiệu quả.

Đại biểu Dương Thị Hằng (Gia Lâm) đặt câu hỏi về tình trạng khai thác cát trái phép. Ảnh: Thùy Linh

Hoạt động như công trường cả ngày lẫn đêm

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 18, HĐND TP. Hà Nội khóa XV sáng 8/12, các đại biểu HĐND Thành phố đã đặt câu hỏi cho chính quyền và công an cơ sở các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Gia Lâm... và Công an TP. Hà Nội về tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, nguyên nhân và phương hướng khắc phục.

Đại biểu Dương Thị Hằng (Gia Lâm) hỏi về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn huyện Phúc Thọ, đặc biệt tại xã Xuân Đình và đề nghị Chủ tịch UBND xã Xuân Đình cho biết việc xử lý cá nhân trong khai thác cát sỏi trái phép? Đại biểu cũng đề nghị Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ trả lời về trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong vấn đề khai thác cát sỏi trái phép tại địa phương và giải pháp?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình cho biết, những năm 2018- 2019, “cát tặc” ồ ạt đến xã Xuân Đình khai thác như một công trường cả ngày lẫn đêm. Trước tình hình đó, xã đã báo cáo huyện, thành phố và huyện đã lập chuyên án, ban hành các quyết định xử lý. Nhờ đó, đến cuối năm 2019 tình trạng này đã chấm dứt. Tuy nhiên sang tháng 6-7/2020, cát tặc lại lộng hành trở lại vào ban đêm, quy mô nhỏ hơn trước. Sau khi xã Xuân Đình báo cáo và Công an Thành phố  ra quân quyết liệt, đến nay tình trạng này đã chấm dứt, chỉ còn 1, 2 tàu lẻ khai thác chộp giật.

Trả lời trách nhiệm của chính quyền cấp huyện đối với việc quản lý khai thác cát trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, huyện đã có nhiều biện pháp xử lý việc khai thác cát, sỏi. Cụ thể, năm 2018, huyện đã tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với các đơn vị Thành phố bắt, xử lý 9 vụ và 9 đối tượng, trong đó có 8 đối tượng xử lý hành chính, 1 đối tượng hình sự, thu 6 tàu thuyền và máy xúc. Năm 2019, huyện đã xử lý 6 vụ, 17 đối tượng, thu giữ 5 tàu thuyền. Năm 2020, xử lý 4 vụ, 4 đối tượng…

Huyện Phúc Thọ cũng đã phối hợp với các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc (Vĩnh Phúc) để có những biện pháp xử lý nạn “cát tặc”. Trong công tác chỉ đạo, huyện cũng thường xuyên có những văn bản chỉ đạo, đôn đốc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn. Hiện tình trạng khai thác cát trái phép đã giảm hẳn và không còn tình trạng khai thác ban ngày, chỉ còn lác đác ban đêm.

Để giải quyết dứt điểm nạn “cát tặc” ban đêm, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ kiến nghị bổ sung phương tiện, lực lượng chức năng mật phục vào ban đêm để hỗ trợ huyện.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng. Ảnh: Thùy Linh

Đề xuất hạ mức thu lợi bất chính để xử lý hình sự

Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình hình "cát tặc" trên địa bàn 6 xã của huyện Đan Phượng có sông Hồng chảy qua, Trưởng Công an huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Khanh cho biết, từ năm 2018 đến nay, Công an huyện đã bắt giữ 42 vụ, 42 đối tượng; xử phạt hành chính gần 1 tỷ đồng; khởi tố 2 vụ, 2 đối tượng…

Ông Nguyễn Văn Khanh cho biết, đây là tệ nạn xã hội, “có cầu, có cung”, chế tài còn bất cập và còn nhẹ; trộm cắp 2 triệu đồng đã có thể khởi tố, nhưng khai thác cát phải xác định được thu lợi hơn 100 triệu đồng mới khởi tố được nên rất khó xử lý triệt để được”. Tôi cho rằng để xử lý triệt để, chế tài xử lý hình sự phải hạ mức thu lợi bất chính, để những người có ý định về khai thác tài nguyên trái phép không dám làm nữa", ông Khanh đề xuất.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cũng cho biết, trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do tàu bị bắt chủ yếu là tàu đi thuê. Trong khi đó, truy tố 1 vụ khai thác cát trái phép cần các cơ quan tư pháp thành phố hướng dẫn thủ tục, quy định...

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định của pháp luật về khai thác cát sỏi; rà soát tất cả chủ phương tiện, yêu cầu các chủ phương tiện ký cam kết không vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát vào ban đêm, ngày lễ, ngày Tết; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, xem xét trách nhiệm của các Chủ tịch UBND xã và Trưởng Công an xã nếu xảy ra vi phạm;…

Đồng thời kiến nghị Thành phố tăng cường chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an thành phố hỗ trợ huyện trong xử lý vi phạm; bên cạnh đó cần có quy hoạch nơi tạm giữ các phương tiện bị xử lý, trang bị thêm phương tiện và công cụ hỗ trợ cho Công an huyện...

ại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: Thùy Linh

Cam kết xử lý 13 điểm phức tạp

Tại phiên chất vấn, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết,  trên địa bàn Thành phố hiện có 7 tuyến sông chính, giáp ranh với các tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên và Hà Nam thường có những đối tượng lưu động hoạt động lén lút ở khu vực giáp ranh khai thác trái phép cát.

Tháng 5/2020, Công an Thành phố đã giao các lực lượng chức năng lập chuyên án, qua đó bắt giữ 13 tàu cát, 8 tàu hút với 34 đối tượng, thu giữ 1.500m3 cát trên các tàu, đồng thời kiểm tra 3 bãi tập kết cát tại quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh phát hiện từ 30 nghìn đến 50 nghìn m3 cát trên mỗi bãi; khởi tố, bắt tạm giam 29 đối tượng về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.

Về 13 điểm còn phức tạp về khai thác cát trái phép trên địa bàn, Phó Giám đốc Công an Thành phố cam kết sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép tại các điểm này. Công an Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng, các tỉnh lân cận trong công tác phòng chống khai thác cát trái phép.

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải kiểm tra toàn bộ tàu vi phạm về đăng kiểm để xử lý, cùng các quận, huyện, thị xã nghiên cứu giải quyết dứt điểm về bến bãi không phép, quy hoạch tổng thể trên các tuyến sông để những nơi có thể cấp được giấy phép thì đưa vào quản lý, còn không cấp phép thì xử lý nghiêm vi phạm. “Không có phương tiện thì không thể khai thác trái phép được”, Phó Giám đốc Công an Thành phố nhấn mạnh.

Thùy Linh – Thiện Tâm

Top