Cần sớm ngăn chặn tình trạng xe khách bỏ bến, chạy ‘dù’
(Chinhphu.vn) - Trong khi xe trong bến hoạt động cầm chừng, tình trạng xe khách bỏ bến ra ngoài chạy “dù” gia tăng, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị làm ăn chân chính… Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý cần sớm có biện pháp ngăn chặn.
Nhiều xe bỏ bến, bỏ "lốt"
Tại Hà Nội, các bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm trong thời gian qua đã được đầu tư và nâng cấp hiện đại hơn tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại tần suất hoạt động tại các bến xe này chỉ đạt trên 60%. Nhu cầu đi lại ngày càng cao nhưng người dân không mặn mà đến với các bến xe.
Theo thống kê của các bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua, lượng khách đến bến đi xe sụt giảm rất mạnh từ 30-50%. Thiếu khách, các tuyến xe khách liên tỉnh ngay lập tức suy yếu.
Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn cho hay, lượng xe bỏ hẳn bến, không ký lại hợp đồng chiếm khoảng 20%. Một số tuyến xương sống của bến thiệt hại nặng như Quảng Ninh - Hà Nội mất từ 60-70% lượng xe. Các tuyến đi: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… giảm từ 20-30% lượng xe.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng chia sẻ, các loại xe vận chuyển khách liên tỉnh thực sự quá nhiều, cạnh tranh khốc liệt. Với hành khách, cứ bảo đảm đón xe thuận tiện, giá cả phù hợp và chất lượng dịch vụ tốt là lựa chọn. Mà nhiều tuyến xe khách liên tỉnh tại các bến xe lớn chưa đáp ứng được những tiêu chí này.
Bên cạnh đó, với lợi thế đi vào sâu trong nội thành, thậm chí len lỏi đến từng ngõ ngách để bắt khách, xe trá hình, xe tiện chuyến đón đưa tận cửa đang ngày ngày "vợt" khách của xe chạy tuyến cố định, bởi giá vé không đắt hơn bao nhiêu, thậm chí còn ngang bằng mà lại thuận tiện cho hành khách.
"Một vấn đề cực kỳ quan trọng là xe khách liên tỉnh vào bến phải đóng rất nhiều loại thuế phí, trong khi xe trá hình, xe tiện chuyến lại tiết kiệm được phần lớn những khoản này…", ông Đỗ Văn Bằng nói.
Trở lại những năm trước, cuộc cạnh tranh để có được một "lốt" trong bến xe khách tại Hà Nội diễn ra vô cùng khốc liệt giữa các doanh nghiệp vận tải. Nhưng hiện nay, Hà Nội lại đang phải đau đầu giải quyết câu chuyện ngược lại khi hàng trăm lượt xe bỏ bến, bỏ ''lốt''.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện 85 xe khách của gần 30 doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh vận tải đã đăng ký tuyến hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm kết nối với các địa phương nhưng không đưa xe vào hoạt động.
Đáng chú ý, Công ty TNHH Vận tải Vận Anh có tới 40 "lốt" đã đăng ký tuyến Bến xe Nước Ngầm - Bến xe phía Bắc Thanh Hóa nhưng không hoạt động.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Vận tải ô tô Hà Tĩnh có 2 "lốt" giờ tuyến Bến xe Nước Ngầm - Bến xe Hà Tĩnh; Công ty TNHH Long Thu có 4 "lốt" giờ tuyến Bến xe Nước Ngầm - Bến xe Quỳnh Côi (Thái Bình). Ngoài ra, đơn vị này còn có 2 "lốt" xe đăng ký tuyến Bến xe Nước Ngầm - Bến xe Bồng Tiến (Thái Bình) và Bến xe Nước Ngầm - Bến xe Hưng Hà (Thái Bình) nhưng cũng không đưa xe vào hoạt động…
Cần xử lý nghiêm vi phạm
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng tình trạng nhiều nhà xe đăng ký nhưng không hoạt động đủ thời gian quy định, thậm chí có tới vài trăm nhà xe cả tháng không chạy chuyến nào là rất đáng lo ngại. Điều này có thể khiến các bến xe đối mặt với nỗi lo đóng cửa .
Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trước tình trạng các đơn vị kinh doanh vận tải không đưa xe vào hoạt động đón, trả khách tại các bến xe theo các "lốt" giờ đã đăng ký, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị hàng loạt tỉnh/thành phố: Đắk Lắk, TPHCM, Vũng Tàu, Bình Định, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Bắc Kạn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang cần phối hợp cập nhật các lốt giờ xe do các đơn vị không đưa xe vào hoạt động theo quy định.
Theo đó, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đồng thời rà soát các phương tiện không hoạt động kinh doanh vận tải để thu hồi phù hiệu đã cấp…
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng cho biết, đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, tham mưu với Chính phủ nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ để phân biệt rạch ròi giữa các loại hình vận tải; sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP theo hướng quản lý chặt chẽ hơn các phương tiện tham gia kinh doanh vận tải hành khách.
Theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT, việc đình chỉ khai thác một tháng đối với đơn vị vận tải tái vi phạm thực hiện dưới 70% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe trên tuyến vẫn chưa đủ tính răn đe. Cần có chế tài mạnh hơn như đình chỉ khai thác tuyến vĩnh viễn để ngăn chặn việc hoạt động cầm chừng theo kiểu "giữ chỗ", "lốt ảo" rồi mang xe ra chạy dù bên ngoài…
Tuy nhiên trước mắt, Hà Nội cần bổ sung những tuyến xe buýt kết nối với các bến xe để người dân thuận tiện đi lại. Rà soát, lắp đặt camera giám sát giao thông tại các tuyến đường trọng điểm, khu vực bến xe để tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nguội xe khách vi phạm.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đã có kiến nghị với UBND Thành phố, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt vi phạm của các nhà xe lợi dụng khu đất trống, cây xăng, quán nước, công viên, trường học, bệnh viện để dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định…
Diệu Anh