Cần sớm phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống

22/02/2022 4:53 PM

(Chinhphu.vn) - Việc sớm phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống không chỉ là mong đợi của rất nhiều người dân Thủ đô, mà còn là niềm mong mỏi của chính quyền các quận, huyện có quy hoạch đi qua như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên…

Cần sớm phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống? - Ảnh 1.

Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng để phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Ảnh minh họa

Mới đây, trong đợt giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội và Thường trực HĐND Thành phố liên quan công tác quy hoạch trên địa bàn Thành phố vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, Đoàn giám sát đã nhận được ý kiến đề xuất, kiến nghị của nhiều địa phương liên quan đến quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho biết, quận có 2 phường ngoài đê sông Hồng là Chương Dương và Phúc Tân với diện tích 173ha, dân số 28.000 người. Là hai phường có quỹ đất rộng và đông dân nhất quận nhưng hạ tầng, nhà ở lại đang xuống cấp. Điều này không những ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà bộ mặt đô thị cũng rất nhếch nhác, lộn xộn.

Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, khi đợi quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt, để giải quyết dân sinh bức xúc và quản lý tốt quy hoạch kiến trúc đô thị và trật tự xây dựng, quận đề nghị UBND Thành phố có hướng dẫn cụ thể về quy mô công trình xây dựng tại khu vực bãi ven sông tại phường Chương Dương và Phúc Tân.

Còn tại quận Long Biên (Hà Nội) cũng đang mong muốn các cấp ngành liên quan phê duyệt quy hoạch đô thị sông Hồng, sông Đuống phù hợp với điều kiện thực tiễn để giải quyết khó khăn về chỗ ở cho người dân; đồng thời, khai thác và quản lý tốt hơn đối với quỹ đất bãi bồi của 2 tuyến sông trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà, quận có 8/14 phường có đất ngoài khu vực bãi sông Hồng, sông Đuống. Trong đó có 7 phường có dân sinh sống với tổng diện tích đất ở khoảng 224,77ha. Tính đến tháng 9/2019, số dân đang ăn ở sinh sống khoảng trên 31.000 người. Đáng chú ý, khu vực ngoài bãi đa số các thửa đất có diện tích lớn, công trình xây dựng đã lâu xuống cấp sập xệ, phần lớn quy mô công trình là 1 tầng, số lượng ít có công trình quy mô từ 2 tầng đến 4 tầng, diện tích xây dựng nhỏ nên không đáp ứng được nhu cầu ở trong gia đình nhiều thế hệ con cháu. Điều này dẫn đến nhu cầu xây dựng nhà ở lớn và rất cấp thiết.

Vì vậy, Chủ tịch UBND quận Long Biên đề xuất, các đơn vị cấp trên liên quan khi thông qua quy hoạch cần xem xét đối với khu vực dân cư hiện có ngoài bãi sông để bảo đảm cuộc sống người dân. Trong trường hợp nếu có di dời hoặc di dời một phần dân cư theo đồ án cần phải bố trí quỹ đất tái định cư, bảo đảm cuộc sống của các hộ dân và tính khả thi khi thực hiện di dời".

Đối với nội dung các bản quy hoạch, quận Long Biên đề xuất giữ lại 2 khu vực dân cư hiện hữu sinh sống ổn định từ lâu ngoài bãi sông khi phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Đó là khu vực tổ 27, phường Ngọc Lâm (đoạn từ cầu Long Biên đến cầu Chương Dương, nằm ngoài quy hoạch phân khu đô thị N10) có diện tích khoảng 5,2 ha, với khoảng 395 hộ gia đình, dân số khoảng 1.440 người, các hộ đã được cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai; Khu vực tổ 4, phường Cự Khối có diện tích đất khoảng 17,4ha, với khoảng 213 hộ gia đình, dân số khoảng 857 người, các hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, quận đề nghị khu vực quy hoạch cảng Giang Biên cần nghiên cứu khu đất làng xóm để phục vụ tái định cư tại chỗ cho khu vực dân cư phải di dời và khu đất công cộng để phát triển thương mại. Bên cạnh đó, quy hoạch đường ven sông Đuống theo quy hoạch đường ven sông Hồng của quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Trong khi đó, huyện Đan Phượng nêu, TP. Hà Nội đang nghiên cứu quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có ranh giới từ cầu Mễ Sở đến cầu Hồng Hà, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy hoạch phân khu sông Hồng từ cầu Hồng Hà đến Phúc Thọ (khoảng 1.729ha) để phát huy tối đa nguồn tài nguyên đất. Đồng thời phát triển hài hòa bãi sông Hồng phía Tây Vành đai 4 phù hợp định hướng bãi sông phía Đông Vành đai 4.

Cùng đó, huyện đề nghị Thành phố xem xét chức năng quy hoạch diện tích ngoài sông trên địa bàn huyện, quy hoạch diện tích còn lại theo hướng đô thị thương mại dịch vụ để khai thác hiệu quả quỹ đất và mặt nước hiện có nhằm thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ kinh tế, hạ tầng của địa phương. Bởi huyện Đan Phượng có diện tích bãi sông Hồng và sông Đáy rất lớn, chiếm 41,5% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, hiện nay đã hình thành nhiều khu dân cư sinh sống ngoài bãi sông Hồng, sông Đáy.

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, 2 quy hoạch này đã được lấy ý kiến của các cơ quan, cá nhân, cộng đồng dân cư theo quy định, báo cáo thông qua các cấp, ngành của TP. Hà Nội. Đến nay, đã có ý kiến của Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT, UBND Thành phố đang tiếp thu hoàn thiện để phê duyệt (dự kiến trong quý I/2022).

Sau 10 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, UBND TP. Hà Nội đã tập trung triển khai công tác xây dựng quy hoạch. Từ năm 2012 đến nay, Thành phố đã phê duyệt 66/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (cấp 2). Còn lại 2 đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5) và sông Đuống (R6) với tổng diện tích khoảng 12.665 ha đất chưa được phê duyệt. Nguyên nhân của việc chậm trễ này là do vướng quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Diệu Anh

Top