Người chăn nuôi thận trọng khi tái đàn
Cần thận trọng khi tái đàn gia súc, gia cầm
(Chinhphu.vn) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh và biến động thị trường nên việc tái đàn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm chứa nhiều rủi ro. Vì vậy, để hạn chế rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế khi tái đàn, người chăn nuôi cần tìm hiểu thị trường, không nên nhập ồ ạt và bảo đảm nguồn gốc, cơ sở rõ ràng.

Vịt mới nhập đàn tại huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, việc tái đàn, nhập đàn mới sau khi xuất bán gia súc gia cầm là việc làm tất yếu với người chăn nuôi, nhất là sau dịp tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội, nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng rất cao (khoảng 20% – 30 %) so với nhu cầu bình thường. Đặc biệt khi gia súc, gia cầm xảy ra dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bắt buộc phải tiêu hủy thì người chăn nuôi cũng muốn khôi phục lại sản xuất.
Mặt khác do tác động của cơ chế thị trường, có thời điểm nhu cầu sử dụng từng loại động vật, sản phẩm động vật tăng cao. Thị trường khan hiếm các doanh nghiệp, người chăn nuôi cũng tranh thủ tái đàn, nhập đàn để phát triển kinh tể. Hoặc sau thời điểm xảy ra những đợt dịch lớn (cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục ….) thị trường khan hiếm, người chăn nuôi cũng nhập đàn, tái đàn, thậm chí đầu tư lớn để thu lợi kinh tế.
Cần tìm hiểu kỹ thị trường để hạn chế rủi ro
Việc nhập đàn, tái đàn với người chăn nuôi là rất quan trọng, cần thiết để khôi phục sản xuất, tăng thu nhập, nhưng có không ít trường hợp phải gánh chịu những hệ lụy, rủi ro, thậm chí là thiệt hại kinh tế lớn khi nhập đàn, tái đàn.
Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ không bảo đảm, giá thành hạ, không bán được gia súc, gia cầm khi đến kỳ xuất bán, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và mất an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, do không dự báo được tình hình, giá cả thức ăn chăn nuôi bị biến động tăng cao, không còn thị trường tiêu thụ (kể cả xuất khẩu). Chi phí đầu vào tăng bất thường làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, không bảo đảm có lãi.
Trên thực tế trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá thức ăn chăn nuôi nhiều thời điểm tăng quá cao (trên 30 %) so với bình thường và một loạt chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng lớn đến giá động vật và sản phẩm động vật. Chính vì vậy đã làm người chăn nuôi không mặn mà với việc tái đàn.
Mặt khác, dịch bệnh cũng xảy ra đối với gia súc, gia cầm ngay sau khi nhập đàn, nhất là đối với quy mô chăn nuôi vừa và nhỏ. Người chăn nuôi nóng vội, chưa tìm hiểu kỹ về thời điểm cần tái đàn, cộng với việc nhập ở vùng đang có dịch hoặc tiềm ẩn có dịch, gia súc, gia cầm lại không rõ nguồn gốc, việc vận chuyển lưu thông không bảo đảm…
Đáng lưu ý là việc tái đàn người chăn nuôi không chấp hành các quy định trong việc khai báo chăn nuôi, vì vậy khi xảy ra dịch bệnh không những không được hỗ trợ rủi ro, thiệt hại theo quy định mà còn bị xử lý vi phạm hành chính do làm lây lan dịch bệnh, trực tiếp ảnh hưởng đến hộ chăn nuôi xung quanh và ảnh hưởng đến cộng đồng…
Để hạn chế những rủi ro và mang lại hiệu quả kinh tế khi tái đàn gia súc, gia cầm, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, người chăn nuôi cần tìm hiểu thị trường, nhất là thị trường tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật tại thời điểm tái đàn thị trường chi phí trong chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, các chi phí đầu vào trong chăn nuôi để quyết định nhập đàn và tái đàn. Không nên nhập ồ ạt trong khi thị trường còn những biến động bất thường. Việc tìm hiểu thị trường luôn được đặt lên hàng đầu, không chỉ để khôi phục phát triển sản xuất mà còn tạo sự phát triển bền vững trong chăn nuôi vì quan trọng nhất tạo đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó cần bảo đảm nhập gia súc từ cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, các cơ sở chăn nuôi uy tín có thương hiệu. Đặc biệt các cơ sở đã được công nhận về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để có đàn gia súc có chất lượng.
Thực hiện nghiêm việc khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương sở tại, đây là điều kiện bắt buộc theo quy định của Luật Chăn nuôi để có sự giám sát của các cơ quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn. Trường hợp gia súc, gia cầm không may xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải tiêu hủy bắt buộc sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Chuẩn bị tốt điều kiện về chuồng trại khu chăn nuôi như vệ sinh cơ giới, phun thuốc sát trùng… Bảo đảm chế độ chăm sóc nuôi dưỡng để có chế độ chăm sóc phù hợp, cho gia súc gia cầm tập làm quen dần với môi trường sống mới.
Đồng thời nên hợp tác xây dựng liên kết chuỗi để có sự chủ động hợp tác về con giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư trang thiết bị trong chăn nuôi, các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tạo đầu ra cho sản phẩm khi tái đàn. Nắm bắt thông tin về tình hình và diễn biến dịch bệnh, ở những nơi, vùng đang xảy ra dịch thì ko nên tái đàn, nhập đàn vì nguy cơ lây nhiễm bệnh và tỷ lệ rủi ro rất cao.
Thiện Tâm