Cần tháo gỡ khó khăn về đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất trong ngành Y tế

11/12/2018 1:01 PM

(Chinhphu.vn)- Đánh giá sau đợt giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội, Ban Văn hóa-Xã hội nhận định, tình hình chấp hành pháp luật về khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân trong những năm qua luôn được Thành phố quan tâm chỉ đạo, đã tạo được những bước đột phá cả về chất và lượng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần được khắc phục kịp thời.

Theo kết quả giám sát, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã hướng tới việc phục vụ người bệnh với chất lượng tốt hơn; nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được ứng dụng thành công trong chẩn đoán, điều trị bệnh ở các tuyến; hệ thống y tế ngày càng được củng cố, mở rộng, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Văn hóa-Xã hội, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, những tồn tại hạn chế vẫn còn nhiều. Đó là tình trạng bệnh viện còn thiếu phòng làm việc, cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp chưa được tu bổ, xây mới; một số nơi mới được đầu tư xây dựng nhưng một số hạng mục đã bị xuống cấp; trang thiết bị y tế đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, còn thiếu nhất là các trang thiết bị công nghệ cao, hiện đại chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu KCB cho nhân dân.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ trình độ chuyên môn chưa đồng đều, cán bộ chuyên môn có tay nghề giỏi còn hạn chế; một số bệnh viện nhất là tại tuyến huyện thiếu nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa sâu. Thiếu nhân lực hành nghề tại các cơ sở y tế công lập, Phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã. Một số cán bộ, nhân viên y tế kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tư vấn chuyên môn còn hạn chế. Việc xây dựng kế hoạch luân phiên hỗ trợ tuyến dưới của một số bệnh viện tuyến trên còn chưa sát thực tế; một số đơn vị chưa tích cực, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch. Các đơn vị tuyến trên triển khai thực hiện kế hoạch còn chậm tiến độ; các đon vị tuyến dưới chưa quyết liệt đốc thúc, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch của tuyến trên.

Ban Văn hóa-Xã hội cũng chỉ ra, công tác đấu thầu, cung ứng thuốc còn chậm ở khâu sau đấu thầu thuốc, ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc cho bệnh nhân. Công tác quản lý giá thuốc chưa kiểm soát được. Các bệnh viện đã được phân loại là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ chưa được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế. Kinh phí đáp ứng cho công tác khám chữa bệnh của bệnh viện gặp khó khăn. Công tác xử lý nước thải, rác thải y tế tại một số bệnh viện chưa đảm bảo. Công tác quản lý người nhà bệnh nhân của một số bệnh viện chưa được nề nếp. Một số bệnh viện chưa kiện toàn Hội đồng điều dưỡng, một số bệnh viện đã kiện toàn nhưng hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, hầu hết các bệnh viện tuyến huyện chưa triển khai thực hiện xã hội hóa. Cơ cấu giá dịch vụ liên doanh, liên kết còn nhiều bất cập, chưa tính cụ thể khấu hao tài sản cố định, trong khi đó, giá trị khấu hao tài sản là máy móc thiết bị của đối tác đưa vào giá dịch vụ chiếm tỷ lệ cao làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh. Công tác tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT còn hạn chế, chưa được thực hiện thường xuyên, sâu rộng; có lúc, có nơi coi nhẹ công tác tuyên truyền và coi đây là trách nhiệm của ngành Bảo hiểm Xã hội. Trong giai đoạn đầu thực hiện việc cấp đổi thẻ BHYT theo mã số sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH), còn có sai sót về thông tin thẻ BHYT. Việc thực hiện thông tuyến KCB đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân nhưng khó khăn cho các cơ sở KCB có nhận đăng ký KCB ban đầu do không quản lý được bệnh nhân chuyển tuyến. Thủ tục thanh toán BHYT đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong giải quyết kinh phí vượt quỹ, vượt trần.

Một số cơ sở KCB chưa thực hiện nghiêm túc việc rà soát các chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế hợp lý đảm bảo chất lượng điều trị, chỉ đinh bệnh nhân vào nội trú rộng rãi, chưa đến mức phải vào viện, kéo dài ngày điều trị... dẫn đến việc từ chối thanh toán qua công tác giám định BHYT tăng qua các năm và là một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ KCB BHYT. Hầu hết các bệnh viện chưa triển khai thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 27/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ,…

Trước những tồn tại hạn chế được chỉ ra, Ban Văn hóa-Xã hội đề nghị UBND thành phố Hà Nội cần có chính sách tháo gỡ khó khăn về cơ chế đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu và tiến độ, kịp thời đáp ứng với yêu cầu thực tế; cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư tiêu hao phù hợp với lộ trình tự chủ của các đơn vị khám chữa bệnh. Cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nhân tài giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia, các nhà quản lý giỏi trong và ngoài nước tham gia công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố. Hỗ trợ việc cung cấp phần mềm quản lý bệnh viện dùng chung trên địa bàn Thành phố, xây dựng hệ thống mạng thông tin hoàn thiện, thường xuyên cập nhật đáp ứng yêu cầu đề ra.

Cùng với đó, cần xây dựng hướng dẫn quản lý tài sản công theo quy định của Chính phủ tạo điều kiện cho các đơn vị y tế công lập chủ động trong quá trình xây dựng và triển khai đề án xã hội hóa liên doanh, liên kết phát triển hoạt động dịch vụ. Thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư mới và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo cho các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng 18 Bệnh viện để đến năm 2020 hoàn thành chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân.

Đồng thời, UBND TP cần tăng cường chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT.

Theo HNP

Top