Cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa

07/12/2018 7:00 PM

(Chinhphu.vn) - Có thể thấy, các hoạt động kết nối cung-cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất để bảo đảm cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao.

Giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ảnh: Thùy Linh

Nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Bắc Kạn, Trà Vinh, Đồng Tháp… đã tạo ra nhiều cơ hội liên kết hợp tác kinh tế cũng như định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, chủ động đẩy mạnh khai thác thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy tiêu thụ qua hệ thống phân phối của Hà Nội.

Trong giai đoạn 2016-2018, Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 2 hội nghị, 28 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại...; 18 tuần lễ trái cây, nông sản; ký kết gần 1.000 biên bản ghi nhớ; đã có trên 500 sản phẩm mới được các nhà phân phối của Hà Nội kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn thành phố và hệ thống phân phối trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Hà Nội chủ động trong công tác kết nối sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng nông - lâm - thủy sản với 21 tỉnh, thành phố.

Trong 10 tháng qua, các sản phẩm nông - lâm - thủy sản của các tỉnh cung cấp về Hà Nội như: Điện Biên cung cấp khoảng 75 tấn rau củ; Vĩnh Phúc cung cấp khoảng 3.850 tấn rau củ, 95 tấn gia cầm, 800 tấn thịt lợn, khoảng 160 tấn thủy sản; Hòa Bình cung cấp khoảng 340 tấn rau các loại, 330 tấn cá sông Đà…

Ngoài tổ chức các hội nghị, sự kiện kết nối, TP. Hà Nội đã hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối tại nước ngoài tiêu thụ như Aeon (Nhật Bản), Lottemart (Hàn Quốc); Central Group (Thái Lan); Chợ đầu mối Rungis (Pháp)… Qua đó, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhiều địa phương đã chủ động đề xuất các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, qua đó giúp doanh nghiệp chủ động được sản lượng và thị trường tiêu thụ, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội và doanh nghiệp bán lẻ ở Thủ đô hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm đạt tiêu chuẩn khi tiêu thụ trong hệ thống bán lẻ hiện đại.

Có thể thấy, các hoạt động kết nối cung - cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp địa phương, đáp ứng hàng hóa cho thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, dù nhiều sản phẩm có thế mạnh của địa phương được các đơn vị phân phối lớn của Hà Nội đưa vào kênh tiêu thụ hiện đại, nhưng đến nay vẫn còn ít doanh nghiệp làm đầu mối mua hàng hóa cho nông dân, cơ sở sản xuất, nên khi cần lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm đều gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, các hộ, hợp tác xã sản xuất hàng hóa, nông sản vẫn theo tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã, bao bì sản phẩm; sự liên kết, kết nối giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với doanh nghiệp phân phối chưa thường xuyên. Đặc biệt, việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường của các doanh nghiệp, địa phương chưa kịp thời… dẫn đến một số mặt hàng cung vượt cầu, ảnh hưởng đến giá cả, tiêu thụ.

Do đó, để hoạt động liên kết, kết nối cung - cầu hàng hóa thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đề nghị, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo sản xuất nông sản bền vững theo quy hoạch định hướng các vùng phát triển sản xuất, chăn nuôi, thủy sản; sản xuất, cung ứng hàng hóa theo nhu cầu thị trường;

Đặc biệt cần đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, sản xuất hữu cơ… Chuẩn hóa quy trình sản xuất cho các chuỗi để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đồng đều, đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu.

Thùy Linh

Top