Cần xử lý mạnh mẽ, quyết liệt với các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

25/06/2024 7:22 AM

(Chinhphu.vn) - Từ những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra ở Hà Nội vừa qua, chuyên gia phòng cháy, chữa cháy cho rằng cần tăng cường các biện pháp xử lý mạnh mẽ, quyết liệt với các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy để nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm trong công tác này.

Cần xử lý mạnh mẽ, quyết liệt với các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy- Ảnh 1.

Các vụ cháy xảy ra liên tiếp, nhiều vụ do sự cố điện - Ảnh: VGP

Cần kiên quyết xử lý vi phạm 

Thời gian gần đây, tình hình tai nạn cháy, nổ diễn ra trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương ngày càng diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an TP. Hà Nội, từ năm 2019 đến đầu năm 2024, Thành phố đã xảy ra hơn 500 vụ cháy lớn nhỏ. 

Nguyên nhân chính của các vụ cháy này chủ yếu là do sự cố điện (chiếm khoảng 60%), sử dụng các thiết bị đun nấu không an toàn, và vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. 

Các khu vực có nguy cơ cao nhất là các khu nhà trọ, chung cư mini và các khu dân cư đông đúc nhà ở, kết hợp kinh doanh nơi mật độ xây dựng cao và hạ tầng phòng cháy chữa cháy còn nhiều hạn chế. Hậu quả của những vụ cháy nổ này là rất nặng nề, không chỉ về mặt kinh tế mà còn gây mất mát lớn về tính mạng con người.

Mặc dù đã có nhiều cuộc tổng rà soát cũng như quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, địa phương, song từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn Thành phố vẫn liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn làm chết nhiều người.

Mới đây nhất, vào khoảng 18h30' ngày 16/6, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại số nhà 207 phố Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) khiến 4 người trong một gia đình tử vong.

Trước đó, 0h30' ngày 24/5, đám cháy bùng lên tại ngôi nhà ở số 1 ngách 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy cũng đã khiến 14 người tử vong, trong đó có hai người gia đình chủ nhà, 12 người thuê trọ; 6 người khác bị thương.

Trước thực trạng nhức nhối trên, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho rằng để giảm thiểu các vụ cháy nổ, đặc biệt là các vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp phòng chống cháy nổ một cách căn cơ bài bản. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm đến mọi người dân, người đứng đầu cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp…. Luôn có ý kiến hết sứ quan trọng, đồng thời tăng cường xử lý mạnh mẽ, quyết liệt với các vi phạm về PCCC.

"Nếu người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp hay chủ hộ gia đình nhận thức được đầy đủ về trách nhiệm của mình về công tác PCCC thì sẽ ngăn ngừa kéo giảm được các vụ cháy cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Nếu chỉ chạy theo lợi nhuận kinh tế, bỏ qua những hành vi vi phạm về PCCC thì chắc chắn số vụ cháy cũng như thiệt hại về cháy sẽ vẫn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp", Thiếu tướng Hoàng Quốc Định nhận định.

Từng là một nhà quản lý trong lĩnh vực PCCC, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, xã hội và giao dịch quốc tế của cả nước; là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, trụ sở các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài... và là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại và sự kiện trọng đại, quan trọng của Thủ đô và đất nước.

Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ không ngừng gia tăng; nhu cầu về phương tiện, nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất lớn, khó kiểm soát; các công trình nhà chung cư, cao tầng, trung tâm thương mại các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí tập trung đông người, những công trình công nghiệp, kho, xưởng, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phát triển đa dạng, tiềm ẩn cao nguy cơ về cháy, nổ. Sự phát triển của xã hội thường tỷ lệ thuận với số vụ cháy, đó cũng chính là một quy luật tất yếu và cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nổ.

Nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng cho hay, nhận thức công tác đảm bảo an toàn PCCC có vai trò đặc biệt quan trọng, trong thời gian qua Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị quản lý nhà nước (đặc biệt là lực lượng Cảnh sát PCCC) đã nỗ lực bằng nhiều phương pháp, biện pháp nhằm ngăn chặn kéo giảm các vụ việc về sự cố cháy, nổ nhưng phải khẳng định rằng nguyên nhân xảy ra cháy đều là do những vi phạm, tồn tại về công tác phòng cháy, chữa cháy không được người dân, chủ cơ sở khắc phục triệt để. 

Vi phạm từ loại hình nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh đến các cơ sở kinh doanh sản xuất, văn phòng, nên việc xảy ra cháy là một điều tất yếu khi mà người đứng đầu doanh nghiệp, người dân không nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình về công tác PCCC, nhất là vi phạm an toàn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và các thiết bị điện; không tự trang bị các phương tiện PCCC&CNCH; quá trình sản xuất, kinh doanh tồn chứa các loại hàng hóa dễ cháy như sơn, dung môi, hóa chất… nhưng không có giải pháp phòng ngừa.

Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

Cần xử lý mạnh mẽ, quyết liệt với các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy- Ảnh 2.

Hiện trường vụ hỏa hoạn đã xảy ra hôm 16/6 tại số nhà 207 phố Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) khiến 4 người trong một gia đình tử vong.

Để ngăn giảm thiểu nguy cơ cháy gây chết người, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định chỉ ra rằng, thực trạng những hạn chế liên quan đến công tác PCCC trên địa bàn Thủ đô và nguyên nhân đến từ các yếu tố như: Quy hoạch hạ tầng về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy không đồng bộ, số lượng ngõ nhỏ, ngõ sâu tập trung tại các quận nội thành xe chữa cháy không thể tiếp cận được; Mật độ dân số đông, các công trình dân sinh, tự phát dày đặc.

Bên cạnh đó, do yếu tố lịch sử, nhiều công trình xây dựng từ lâu, không đáp ứng các yêu cầu về kiến trúc, kết cấu PCCC khó hoặc không thể khắc phục; tình trạng các công trình xây dựng tạm, công trình xây dựng sai phép, trái phép, sai mục đích sử dụng đất tồn tại nhiều, không thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn PCCC; các quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thiếu các chế tài mạnh mẽ để xử lý, bắt buộc các cơ sở phải đáp ứng các yêu cầu về PCCC…

Từ thực tế nêu trên, Nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội nêu quan điểm là cần phải có những biện pháp, giải pháp căn cơ, đồng bộ như nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế trong việc thực hiện công tác PCCC&CNCH phù hợp. 

Cùng với đó, Hà Nội cần tổ chức quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch, trật tự xây dựng, đô thị, gắn với quy hoạch đồng bộ hạ tầng PCCC (giao thông; nguồn nước; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống mạng lưới trụ sở, doanh trại đơn vị Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn); đầu tư xây dựng trụ nước chữa cháy, bổ sung đường cấp nước chữa cháy, trụ hoặc họng cho các ngõ sâu; xây trạm bơm, bể nước cho các khu dân cư tiềm ẩn nguy hiểm cháy, nổ…

Phân loại, phân nhóm các đối tượng, công trình đang có tồn tại, vi phạm về PCCC để tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm. Những công trình không đáp ứng được yêu cầu về PCCC cần kiên quyết cưỡng chế, di dời ra khỏi những khu dân cư.

Ngoài ra, Thành phố cần tăng cường các biện pháp, công tác quản lý Nhà nước về PCCC: tuyên truyền công tác PCCC, kiểm tra, xử lý vi phạm, xây dựng phương án chữa cháy phù hợp với từng loại đối tượng, nhà dân…

Tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai

Quan sát những vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng gần đây, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cũng khuyến cáo đến mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC như: Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC&CNCH tại gia đình để chủ động phát hiện và loại trừ những nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn.

Trong đó, tập trung kiểm tra các điều kiện: Đường, lối thoát nạn, hệ thống, thiết bị PCCC, hệ thống điện; quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, tổ chức thực tập phương án chữa cháy.

Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cũng nhấn mạnh người dân phải thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC như: Tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai, có giải pháp ngăn cách khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn; trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC; giảm mật độ người thường xuyên làm việc, mật độ chất dễ cháy trong cơ sở, hộ gia đình…

Ngoài ra, chủ động nghiên cứu kiến thức, kỹ năng về PCCC và cứu hộ, cứu nạn; tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC, thực tập phương án chữa cháy tại nơi làm việc, học tập và khu dân cư nơi sinh sống; tích cực tham gia mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", mô hình "Điểm chữa cháy công cộng".

Các hộ gia đình nên trang bị thiết bị báo cháy tự động, bình chữa cháy xách tay, các phương tiện dụng cụ phá dỡ và bố trí lối thoát nạn thứ hai… để từ đó phòng ngừa và giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra.

Minh Anh

Top