Cảnh báo dịch sởi có thể quay trở lại

09/12/2022 10:10 AM

(Chinhphu.vn) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã "báo động đỏ" dịch sởi quay lại, 22 quốc gia đã bắt đầu có những đợt bùng phát dịch sởi lớn và gián đoạn từ năm 2021 với 9 triệu ca mắc, 128.000 ca tử vong. Tình hình có dấu hiệu nghiêm trọng hơn trong năm nay, có thể lan toàn cầu do "lỗ hổng" vaccine do đại dịch COVID- 19.

Cảnh báo dịch sởi có thể quay trở lại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nước ta hiện nay đang trong bối cảnh vào giai đoạn giao mùa, là điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển. Theo đó rất cần có sự chủ động trong việc phòng dịch sởi bùng phát, tránh tình trạng dịch chồng dịch.

Theo TS, bác sĩ Phạm Quang Thái – Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện nhiều nước trong khu vực và ngay cả Mỹ đều đã ghi nhận bệnh sởi, điều này do lỗ hổng vaccine bị gián đoạn trong một thời gian dài do COVID-19. Việt Nam hiện nay ghi nhận rải rác các ca mắc sởi, tuy nhiên với việc ngắt quãng tiêm chủng, chúng ta cũng không loại trừ khả năng sẽ có thể bùng phát dịch sởi.

Ở nước ta, 10 tháng đầu năm tỷ lệ tiêm phòng sởi là 67%, nhưng tỷ lệ mong muốn là 75%, điều này cho thấy tỷ lệ tiêm chủng đang bị thấp. Chương trình tiêm chủng mở rộng đã cố gắng rất nhiều trong việc huy động cung cấp nguồn vaccine, tuy nhiên có một thời gian chúng ta bị thiếu vaccine sởi. 

Thời gian vừa qua công tác tiêm vaccine sởi đã bị ngắt quãng nên nhiều trẻ trên 12 tháng không được tiêm. Vì vậy, đơn vị đã có những hướng dẫn cho địa phương để tiếp tục tiêm chủng an toàn cho trẻ, tiêm bù cho các trẻ vì lý do nào đó chưa được tiêm.

"Việc thông tin giáo dục cho trẻ và phụ huynh là rất cần thiết. Không phải chỉ trẻ nhỏ mà thậm chí trẻ lớn cũng cần tiêm chủng phòng ngừa sởi. Vì vậy, từ trường học đến gia đình, chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực tuyên truyền để người dân hiểu các mũi tiêm cần thiết cho trẻ", TS, bác sĩ Phạm Quang Thái chia sẻ.

Theo các chuyên gia Y tế, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh thường lây trước khi vết ban đỏ xuất hiện. Khi virus sởi vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường trú ngụ ở đằng sau cổ họng và phổi. Sau đó bệnh sẽ lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da.

Bệnh nhân mắc sởi có các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng có thể gây nhiều biến chứng. Biến chứng đường hô hấp thường là viêm phế quản, viêm phế quản phổi, viêm thanh quản. Các biến chứng này do bội nhiễm, thường xuất hiện sau thời kỳ hay cuối thời kỳ mọc ban. Diễn biến bệnh thường là ho, sốt, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, khó thở, tím tái.

Sởi là bệnh do virus gây ra và dễ lây lan nên biện pháp phòng chống là rất quan trọng. Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh. Tăng cường dinh dưỡng đầy đủ gồm 4 nhóm thực phẩm: Vitamin, khoáng chất, bột đường, đạm và béo để phòng suy dinh dưỡng khi trẻ mắc bệnh.

Đồng thời uống nhiều nước hoa quả, ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá mức. Vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh nhiễm trùng cơ hội. Trẻ bị mắc bệnh cần nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người nếu trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh để tránh lây lan trong cộng đồng.

Tránh các loại thực phẩm cay, nóng, tanh, chiên rán nhiều dầu mỡ; thực hiện vệ sinh sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B.

Khi xuất hiện các biến chứng như nhiễm khuẩn, viêm não hay suy hô hấp, người bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Thiện Tâm

Top