‘Cầu nối’ đưa sản phẩm lưu niệm Thủ đô đến với du khách

02/05/2024 10:24 AM

(Chinhphu.vn) - Là nơi hội tụ hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa cùng hàng trăm lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống..., Hà Nội có thế mạnh rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh Thủ đô ra thế giới, trong đó có việc xây dựng, phát triển các sản phẩm lưu niệm mang bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

‘Cầu nối’ đưa sản phẩm lưu niệm Thủ đô đến với du khách- Ảnh 1.

Sản phẩm lưu niệm của Thủ đô thu hút du khách thăm quan, mua sắm. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Hà Nội là Thủ đô 1.000 năm tuổi có lịch sử lâu đời, không chỉ nổi tiếng với những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc, các công trình kiến trúc cảnh quan độc đáo, món ăn nổi tiếng mà còn được biết đến với nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo được tạo ra từ những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, óc sáng tạo phong phú của các nghệ nhân làng nghề, thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Thủ đô Hà Nội tập trung hơn 1.350 làng nghề với khoảng 176 ngàn hộ làm nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước. Trong đó, số lượng cơ cấu nhóm ngành nghề gồm các nhóm: Hàng thủ công mỹ nghệ; đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát.

"Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Ngành thủ công mỹ nghệ đang đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và phát triển kinh tế của Thủ đô", Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp khẳng định.

‘Cầu nối’ đưa sản phẩm lưu niệm Thủ đô đến với du khách- Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ thiết kế khá ấn tượng. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Mới đây, tham gia gian hàng tại Hội chợ hàng lưu niệm Thủ đô năm 2024 (Hanoi Great Souvenirs 2024) do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, chị Nguyễn Thị H. (gian hàng thêu ren, đan lát) chia sẻ: "Đơn vị chúng tôi thường xuyên tham gia các hội chợ do TP. Hà Nội tổ chức, đặc biệt là các hội chợ về sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề. Tại đây, chúng tôi có cơ hội quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những sản phẩm do chính nghệ nhân làng nghề mình làm. Sau mỗi lần tham gia hội chợ, sản phẩm của chúng tôi được nhiều khách hàng biết đến và tiêu thụ tốt hơn".

Là một du khách, anh Đỗ Văn Trung (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, những nghệ nhân làng nghề Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung rất khéo tay. Từ những nguyên vật liệu, những thứ vô tri vô giác qua bàn tay các nghệ nhân đã tạo lên các sản phẩm "có hồn".

"Tôi đưa các con đến vui chơi và cho các con chọn mua những thú len nhỏ do nghệ nhân đan lát. Hai bạn nhỏ nhà tôi rất thích. Quả thực hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ Thủ đô rất đẹp", chị Vũ Thị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) vui vẻ nói.

Sau 4 ngày tổ chức (25-28/4/2024), hội chợ Hanoi Great Souvenirs 2024 đã thu hút được nhiều lượt khách đến thăm quan và mua sắm. Nhiều khách hàng đánh giá cao những mẫu mã, thiết kế ngày càng ấn tượng của các sản phẩm lưu niệm Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho hay, Hanoi Great Souvenirs 2024 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, nghệ nhân trưng bày và giới thiệu, quảng bá sản phẩm lưu niệm, thủ công mỹ nghệ đậm đà bản sắc văn hóa của các làng nghề truyền thống của Hà Nội.

‘Cầu nối’ đưa sản phẩm lưu niệm Thủ đô đến với du khách- Ảnh 3.

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được trưng bày tại Hội chợ hàng lưu niệm Thủ đô năm 2024. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Đồng thời, góp phần đẩy mạnh liên kết hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu có chất lượng cao, hình thành chuỗi sản xuất – tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa nông thôn bền vững.

Để phát triển tiềm năng của thị trường sản phẩm lưu niệm Thủ đô, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh cho rằng, Hà Nội vốn có nhiều làng nghề truyền thống, có khu phố cổ, hệ thống đình, đền chùa đồ sộ cùng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, như: Chèo, tuồng, cải lương, múa rối nước… Những vốn quý này đều chứa đựng rất nhiều chất liệu văn hóa, những câu chuyện hay để "khái quát" lại trong một món quà lưu niệm đặc biệt. Cái cần hiện giờ là sự quan tâm, đầu tư đúng mức cả về tài chính và chất xám cũng như chiến lược đường dài để sản phẩm có sức sống.

Do đó, ngoài việc tổ chức các hội chợ, các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch; liên kết với các nghệ nhân, cơ sở sản xuất uy tín để sáng tạo ra sản phẩm phù hợp... cần chú trọng đa dạng chủng loại, mẫu mã, dòng sản phẩm hướng tới từng đối tượng phục vụ…

Diệu Anh

Top