Cầu Vĩnh Tuy 2 chính thức hợp long
(Chinhphu.vn) - Sáng 30/5, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Vĩnh Tuy 2) đã chính thức hợp long đoạn cầu chính vượt sông Hồng, chuyển sang giai đoạn “nước rút” để chuẩn bị thông xe vào đầu tháng 9/2023.
Tới dự Lễ Hợp long cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phạm Quý Tiên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, cùng lãnh đạo các sở ngành, địa phương liên quan.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025, thuộc danh mục công trình được tập trung chỉ đạo theo Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2023 của Thành ủy Hà Nội.
Do tính chất đặc biệt quan trọng của đường Vành đai 2 đối với mạng lưới giao thông vận tải của Thủ đô, TP. Hà Nội đã quyết tâm tập trung đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 để khép kín đường Vành đai 2 theo quy hoạch, tránh việc hình thành nút thắt trên cầu Vĩnh Tuy sau khi hoàn thành đoạn tuyến Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở-cầu Vĩnh Tuy.
Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, năm 2019, TP. Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết phải triển khai xây dựng sớm cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và đề nghị cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức BT sang đầu tư công bằng ngân sách của Thành phố và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Dự án khởi công ngày 9/1/2021, trong thời gian thực hiện có những lúc bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch COVID-19 cũng như khó khăn phức tạp khi thi công trong điều kiện đô thị đông đúc. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện tối đa của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố, cùng nỗ lực quyết tâm của Ban QLDA và các nhà thầu thi công, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã bảo đảm tiến độ. Cầu chính vượt dòng chủ dài 955m đã được hợp long toàn tuyến chất lượng, an toàn.
Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy 2 được thiết kế 8 làn xe; trong đó có 4 làn xe ôtô, 2 làn đường xe buýt và làn xe thô sơ. Đây là cây cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt.
Sau khi khi được thông xe theo kế hoạch, cầu Vĩnh Tuy hoàn thiện cả hai giai đoạn được kỳ vọng sẽ xóa ùn tắc, điểm nghẽn giao thông trên đường Vành đai 2 đoạn qua sông Hồng lâu nay, đồng thời giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thủ đô theo quy hoạch.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận Hai Bà Trưng, Long Biên, chủ đầu tư và những đơn vị thi công, các cán bộ, kỹ sư, người lao động,… đã khắc phục, vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án.
Dù ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, biến động giá cả vật liệu tăng cao, điều kiện thi công khó khăn, nhưng chủ đầu tư, các nhà thầu đã đưa ra được những giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm tiến độ thi công để đến hôm nay công trình cơ bản hoàn thành theo đúng mục tiêu đề ra, bảo đảm chất lượng, an toàn và mỹ quan đô thị", Phó Chủ tịch UBND Thành phố nói; đồng thời nhận định, khi công trình cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đưa vào sử dụng, áp lực giao thông sẽ đổ dồn về nút Ngã Tư Sở.
Do vậy để hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại vị trí nút giao Ngã Tư Sở, tạo sự thông suốt và thuận lợi cho người dân, phương tiện khi lưu thông, giảm chi phí và thời gian chờ đợi do ùn tắc giao thông; góp phần từng bước giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị và hình thành hạ tầng giao thông khung của Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Sở GTVT, Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố và các đơn vị liên quan lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với hai dự án: Thiết kế cầu vượt liên thông các hướng qua nút giao Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi; và mở rộng đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy theo quy hoạch.
Hoàng Phương