Chậm cổ phần hóa: Lãnh đạo sở, ngành, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm

15/07/2019 3:36 PM

(Chinhphu.vn) - Lãnh đạo Sở, ngành, các cơ quan liên quan và mỗi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước Thành phố nếu không thực hiện cổ phần hóa (CPH), thoái vốn theo đúng kế hoạch được giao. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc CPH, thoái vốn.

Mỗi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện CPH, thoái vốn theo đúng kế hoạch. Ảnh minh họa

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, giai đoạn 2017-2020, Hà Nội thực hiện cổ phần hóa 15 doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước đầu tư tại 34 doanh nghiệp; thoái vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại 67 doanh nghiệp. Hai năm 2017-2018 và 6 tháng đầu năm 2019, UBND Thành phố đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và triển khai công tác cổ phần hóa tại 15/15 doanh nghiệp.

Hà Nội cũng đã hoàn thành cổ phần hóa Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, với tổng số tiền thu về ngân sách nhà nước là 2.835 tỷ đồng (vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa là 1.749 tỷ đồng). Kết quả cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội cũng đã được Kiểm toán Nhà nước rà soát, ghi nhận và đánh giá cao. Qua kiểm toán nhà nước đối với công tác CPH Hapro, Kiểm toán Nhà nước đánh giá TP đã thực hiện nghiêm túc quy trình CPH doanh nghiệp, tổ chức thận trọng, có hiệu quả, chỉ đạo sát sao trong việc xây dựng phương án sử dụng đất và xử lý đất đai khi CPH, mang tính đột phá, sáng tạo, hiệu quả. Lần đầu tiên có việc thu hồi nhiều diện tích đất khi chuyển sang công ty CPH.

Về thoái vốn, đến nay đã hoàn thành thoái vốn nhà nước đầu tư tại 4 doanh nghiệp, gồm các Công ty Cổ phần: Xích líp Đông Anh, Nhựa Hà Nội, Điện cơ Thống Nhất, Quản lý và xây dựng đường bộ 1 Hà Tây. Tổng giá trị thực hiện thoái vốn theo sổ sách kế toán là 161 tỷ đồng, giá trị thực tế thu về 873 tỷ đồng, chênh lệch tăng 712 tỷ đồng.

Đối với 67 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, đến nay đã hoàn thành việc thoái vốn tại 24/67 doanh nghiệp, tổng giá trị thực hiện thoái vốn theo sổ sách kế toán là 182 tỷ đồng, giá trị thực tế thu về 572 tỷ đồng, chênh lệch tăng 390 tỷ đồng. Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng đại diện Sở Tài chính thừa nhận, tiến độ CPH, thoái vốn còn chậm.

Về vướng mắc cụ thể tại một số doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp cho hay, một số doanh nghiệp thực hiện CPH, thoái vốn trong giai đoạn này là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, phạm vi hoạt động rộng, có nhiều tồn tại và vướng mắc về tài chính, có số lượng lao động lớn, quản lý nhiều địa điểm nhà đất, do vậy quá trình xử lý vướng mắc, triển khai các bước trong quy trình gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Một số tồn tại trong sắp xếp doanh nghiệp nhà nước kéo dài nhiều năm, phức tạp trong giải quyết.

6 tháng cuối năm, Thành phố sẽ tập trung nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Bên cạnh việc tập trung rà soát, sắp xếp lại doanh nghiệp, đẩy nhanh việc xử lý nhà, đất của doanh nghiệp, sẽ định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trên website của Sở Tài chính để làm cơ sở theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn...

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 6 tháng đầu năm và thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra. Lãnh đạo Sở, ngành, các cơ quan liên quan và mỗi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước Thành phố nếu không thực hiện CPH, thoái vốn theo đúng kế hoạch được giao. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc CPH, thoái vốn...

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết; vướng mắc ở khâu nào phải báo cáo cơ quan chức năng kịp thời giải quyết theo quy định của pháp luật, qua đó phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Diệu Anh

Top