Chấm dứt ngay tình trạng ‘phó mặc’ trong phòng cháy, chữa cháy

28/06/2024 6:29 PM

(Chinhphu.vn) - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các đơn vị phải thực sự quan tâm, chủ động về phòng cháy, chữa cháy; phải xác định rõ công tác này là của cả hệ thông chính trị, chấm dứt ngay tình trạng “phó mặc” về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Chấm dứt ngay tình trạng ‘phó mặc’ trong phòng cháy, chữa cháy- Ảnh 1.

Chủ động phát hiện sự cố, nguy cơ mất an toàn trong phòng, chống thiên tai

Chiều 28/6, phát biểu kết luận Hội nghị giao ban Quý II/2024, đối với nội dung chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan, khó lường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, các cấp, ngành đã luôn đề cao tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ, đập; không để xảy ra tình trạng khô hạn thiếu nước, ngập úng kéo dài và đặc biệt là giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại khó khăn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị.

Thường xuyên kiện toàn bộ máy chỉ đạo, chỉ huy; bố trí đủ nguồn lực, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để chủ động thực hiện tốt các kế hoạch, phương án đã phê duyệt theo phương châm "4 tại chỗ".

Chú trọng kiểm tra, theo dõi, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng điểm, xung yếu, kịp thời phát hiện vi phạm, sự cố, nguy cơ gây mất an toàn. Kịp thời triển khai các biện pháp xử lý sự cố giờ đầu, tham mưu đầu tư, sửa chữa, duy tu các công trình phòng chống lụt bão, úng ngập.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu về phòng cháy, chữa cháy

Đối với việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn , Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy đã có 14 cuộc họp về nội dung liên quan đến công tác PCCC trên địa bàn TP. Điều này cho thấy, đây là nội dung rất cấp thiết.

Dù có nhiều cố gắng nhưng thời gian qua trên địa bàn Hà Nội vẫn xảy ra nhiều vụ cháy làm chết nhiều người, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung xây dựng, sớm hoàn thiện "Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030".

UBND TP, thủ trưởng các đơn vị, sở, ngành, cấp ủy UBND quận, huyện, thị xã quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ.

Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải thực sự quan tâm, chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước gắn với công PCCC và cứu hộ, cứu nạn theo thẩm quyền. Tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật, các chuyên đề kế hoạch về PCCC theo địa bàn, lĩnh vực quản lý; phải xác định rõ công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn là của cả hệ thông chính trị, không phải chỉ riêng của lực lượng Công an.

Phó Bí thư Thường trực yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng "phó mặc" công tác phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tự trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm để phòng ngừa sự cố, giảm nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Khẩn trương, quyết liệt trong việc kiểm tra, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng điện an toàn, đặc biệt là sau công tơ.

Thường xuyên, định kỳ kiểm tra, rà soát hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy trên địa bàn TP để chủ động trong công tác chữa cháy. Đồng thời kiến nghị các ngành chức năng, các cấp chính quyền giải tỏa kịp thời các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xây bục bệ, cầu dẫn, dựng barie, hàng rào, treo bảng, biển… gây cản trở hoạt động chữa cháy và CNCH.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cần xem xét và gắn trách nhiệm của người đứng đầu Cấp ủy, chính quyền các cấp, Thủ trưởng các đơn vị các sở, ngành trong công tác này. Lĩnh vực nào, ngành nào, địa phương nào để tồn tại nhiều công trình vi phạm về PCCC, để xảy ra các vụ việc cháy, nổ nghiêm trọng phải xem xét, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định.

Tiếp tục các giải pháp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đối với nội dung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất,Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp nêu tại Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội. Chỉ đạo rà soát, phân loại, nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận.

Ngoài ra, chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Đất đai, đảm bảo tinh thần cải cách hành chính, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đối với các quận, huyện, thị xã đang triển khai Dự án xây dựng tổng thể Hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT, đơn vị thi công, đơn vị kiểm tra nghiệm thu của Dự án.

Các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai thực hiện cập nhật những sai sót phát sinh để kịp thời lên phương án giải quyết, không làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai.

Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát kết quả đo đạc bản đồ địa chính của xã để thông báo cho người sử dụng đất thực hiện việc kê khai, đăng ký, đảm bảo 100% các thửa đất trên địa bàn được kê khai, đăng ký.

Gia Huy

Top