Chăn nuôi an toàn sinh học cho hiệu quả kinh tế cao

06/12/2023 11:30 AM

(Chinhphu.vn) - Chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ là xu hướng hiện nay ở nhiều quốc gia. Ở nước ta cũng đã có một số địa phương, doanh nghiệp áp dụng chăn nuôi lợn hữu cơ. Hòa cùng xu hướng đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hình thành một số mô hình chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ, hướng tới an toàn sinh học cho hiệu quả kinh tế cao.

Chăn nuôi an toàn sinh học cho hiệu quả kinh tế cao- Ảnh 1.

Sản phẩm thịt lợn từ mô hình chăn nuôi sinh học của HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm. Ảnh: VGP/TT

Theo định hướng phát triển đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt từ 1% đến 2% tổng sản phẩm chăn nuôi. Đến năm 2030, con số này sẽ tăng, số lượng bò thịt hữu cơ đạt 3.500 con, bò sữa hữu cơ đạt 650 con; lợn hữu cơ đạt 13.600 con, cùng với đó là khoảng 77.400 con gia cầm hữu cơ. Vùng chăn nuôi hữu cơ được Hà Nội xác định tập trung vào hai nhóm gia súc (bò, lợn) và gia cầm. Cụ thể, tại huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Gia Lâm (bò); huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ (lợn); huyện Quốc Oai (gia cầm)...

Để thực hiện tốt định hướng phát triển, Hà Nội đẩy mạnh phong trào chăn nuôi hữu cơ xa khu dân cư; triển khai thí điểm các mô hình chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho 3 nhóm sản phẩm chủ lực gồm bò, lợn và gia cầm, từng bước nhân rộng mô hình, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường. Theo đó, chuồng trại được nâng cấp, cách xa khu dân cư, con giống lựa chọn từ những địa chỉ tin cậy, kỹ thuật chăn nuôi được thực hiện nghiêm ngặt… Đây cũng là cách mà nhiều công ty và các trang trại chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội đang áp dụng với đàn lợn. Ngoài việc đảm bảo nguồn dinh dưỡng để đàn lợn khỏe mạnh, kháng dịch bệnh, hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh thì còn được bổ sung thêm thức ăn là bã rượu, ngô, ăn lá xanh... Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, không sử dụng các kháng sinh, hormone tăng trưởng, hóa chất bảo quản, các chất cấm.

Theo ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm, huyện Quốc Oai, từ năm 2014, trang trại đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Chi phí sản xuất cao hơn 20% so với phương pháp truyền thống nhưng nuôi lợn an toàn sinh học ít xảy ra dịch bệnh và giá bán cao hơn. Đến nay, hợp tác xã duy trì tổng đàn khoảng 200 con lợn thương phẩm và đã xây dựng được thương hiệu "Thịt lợn sinh học Quốc Oai", và ký kết được hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, cửa hàng tiện ích, khoảng 4-5 tạ/ngày...

Theo ông Nguyễn Bá Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần trang trại Bảo Châu, huyện Sóc Sơn, chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ từ việc sinh sản theo phương pháp tự nhiên đến sử dụng thức ăn chăn nuôi hoàn toàn theo lối truyền thống như ngô, cám ủ lên men, bổ sung thêm thức ăn xanh là cỏ VA06 và chuối, rau xanh. Hiện nay, quy mô của trang trại có 250 lợn nái sinh sản và 3.000 lợn thương phẩm. Để bảo đảm chất lượng từ sản xuất đến tiêu thụ, công ty đã xây dựng hệ thống giết mổ, sơ chế, bảo quản sản phẩm khép kín; 100% thịt cấp đông được bán tại các cửa hàng tiện ích trên cả nước. Đến nay, toàn bộ sản phẩm đã có hệ thống mã vạch để nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sản lượng của chuỗi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu đạt 1.200kg/ngày. Để cung ứng đủ số lượng thịt cung cấp ra thị trường, công ty đã hợp tác với các tỉnh xây dựng trang trại chăn nuôi vệ tinh ở Thái Bình, Thanh Hóa, Tây Ninh, Lào Cai.

Phát huy hiệu quả, nhân rộng mô hình

Chăn nuôi an toàn sinh học cho hiệu quả kinh tế cao- Ảnh 2.

Chăn nuôi an toàn sinh học là hướng phát triển bền vững, hiệu quả cho ngành chăn nuôi. Ảnh: VGP/TT

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hình thành và phát triển một số mô hình chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ như trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ Bảo Châu, huyện Sóc Sơn; chăn nuôi lợn an toàn sinh học ở huyện Thanh Oai, Phúc Thọ, Ứng Hòa…cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng tỷ đồng/trang trại/năm.

Nuôi lợn bằng phương pháp chăn nuôi hữu cơ đã và đang phát huy nhiều lợi thế về vệ sinh môi trường, chi phí thấp, ít dịch bệnh, bán giá cao. Người dân tiếp cận chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển chăn theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, từ đó khuyến cáo nhân rộng cho các hộ chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ trên địa bàn thành phố. Thông qua mô hình, người chăn nuôi hiểu biết thêm về vai trò, lợi ích của thực phẩm hữu cơ đối với sức khỏe con người và cộng đồng, từ đó lựa chọn phương thức sản xuất và đầu tư chăn nuôi phù hợp để tạo ra sản phẩm chất lượng. Với các sản phẩm thịt lợn sạch được chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm sẽ là cách để người nông dân gia tăng thu nhập một cách bền vững và tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Mô hình sẽ làm cơ sở tham quan, học tập nhân rộng, giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh làm quen với phương thức chăn nuôi mới, liên kết sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội.

Phát huy hiệu quả của mô hình, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người chăn nuôi, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hiện nay, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đang phối hợp cùng các địa phương rà soát, đánh giá, tổng hợp thực trạng, nhu cầu và điều kiện đáp ứng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ; làm căn cứ triển khai định hướng phát triển chung của thành phố. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cũng sẽ đánh giá dự báo về tiềm năng sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn thành phố, liên vùng, từng bước nhân rộng mô hình...

Thiện Tâm

Top