Chỉ số CPI bình quân cả năm 2021 tăng thấp trong nhiều năm gần đây
(Chinhphu.vn) – Theo Cục Thống kê Hà Nội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 trên địa bàn Hà Nội tăng 1,77% so với bình quân năm 2020, là mức tăng thấp trong nhiều năm gần đây.
Cũng theo Cục thống kê, CPI tháng 12 giảm 0,21% so với tháng trước và tăng 2,55% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng cuối năm nay, 4/11 nhóm hàng chủ yếu có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Trong đó, nhóm giao thông giảm 1,69% (tác động làm giảm CPI chung 0,17%) mặc dù giá xăng, dầu điều chỉnh tăng ngày 25/12/2021 nhưng mức tăng không đáng kể so với 2 lần giảm trước đó vào ngày 25/11/2021 và ngày 10/12/2021 (xăng giảm 4,67%; dầu diezen giảm 5,04%).
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,75% (tác động làm giảm CPI chung 0,15%) do tháng 12 giá nhiên liệu thế giới giảm mạnh sau 7 tháng liên tục tăng nên giá gas trong nước giảm 4,76% so với tháng trước; giá dầu hỏa giảm 5,24%; sản lượng điện sinh hoạt trong tháng cũng giảm so với tháng trước nên giá điện bình quân giảm 1,38%.
Nhóm giáo dục tiếp tục giảm 0,44% (tác động làm giảm CPI chung 0,03%) nhằm giảm bớt khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, thành phố Hà Nội giảm 50% học phí cho các trường THCS và giảm 75% cho các trường PTTH trong học kỳ I năm học 2021-2022 theo Nghị quyết 08/2021/NQ-HĐND của Thành phố ngày 23/9/2021. Nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ 0,01% do sau khi thực hiện gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10 nghìn tỷ đồng từ ngày 5/8/2021 kéo dài trong 3 tháng, các nhà mạng tiếp tục đưa ra nhiều gói hỗ trợ, ưu đãi giảm giá cước viễn thông dịp Lễ, Tết cuối năm.
7 nhóm hàng chỉ số CPI cao do nhu cầu tiêu thụ tăng cao dịp cuối năm
Theo thống kê, có 7/11 nhóm hàng chỉ số CPI tháng 12 tăng so với tháng trước, trong đó theo quy luật 2 nhóm tăng do nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao dịp cuối năm và những ngày Lễ, Tết là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,37% (tác động làm tăng CPI chung 0,11%), trong đó lương thực tăng 0,16%; thực phẩm tăng 0,52% (giá thịt lợn tăng 0,76%, hải sản tươi sống tăng 0,67%; thịt gia cầm tăng 0,39%; thịt bò tăng 0,17%) cùng với nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,19%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,16% so với tháng trước do trong tháng Thành phố mở cửa nhiều điểm du lịch, thực hiện trạng thái bình thường mới sau thời gian dài tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19. Các nhóm còn lại có chỉ số CPI tăng nhẹ là thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,04%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21%.
CPI bình quân cả năm 2021 tăng 1,77% so với bình quân năm 2020 do một số nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân tăng cao: Nhóm giao thông tăng 9,88%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,66%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,74%. Các nhóm còn lại có chỉ CPI tăng nhẹ: Nhóm giáo dục tăng 0,79%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,62%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,59%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,23%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,55%. Có 2/11 nhóm hàng CPI bình quân năm 2021 giảm so với cùng kỳ là văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,44%; bưu chính viễn thông giảm 0,98%.
Chỉ số giá vàng tháng 12 giảm 0,36% so với tháng trước và giảm 2,91% so với cùng kỳ năm trước; bình quân cả năm 2021 tăng 6,76% so với năm 2020. Chỉ số giá USD tháng 12 tăng 0,76% so với tháng trước và giảm 1,12% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2021 giảm 1,19% so với năm 2020.
Minh Anh