Chỉ số VN-Index kỳ vọng tăng khi Fed giảm lãi suất
(Chinhphu.vn) - Trước tác động của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua đã có diễn biến khá tích cực. VN-Index kết phiên giao dịch 25/9 tăng 10,49 điểm (+0,82%) lên mốc 1.27,48 điểm. HNX-Index kết phiên 25/9 tại mốc 235,84 điểm, tăng +1,52 điểm (+0,65%).
Kỳ vọng đón nhận dòng vốn ngoại tích cực
Sau hơn một năm giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức 5,25-5,50%, Fed đã bỏ phiếu thống nhất cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 17 - 18/9, đưa lãi suất tham chiếu xuống còn 4,75-5,00%. Đây là lần đầu tiên Fed giảm lãi suất tham chiếu kể từ năm 2020. Quyết định hạ lãi suất được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt tích cực từ mức đỉnh 7% xuống chỉ còn 2,2% trong tháng 8 và thị trường việc làm cũng đã giảm nhiệt sau giai đoạn quá nóng.
Với nền kinh tế Việt Nam, việc Fed hạ lãi suất có một số tác dụng tích cực như giảm lãi suất USD giúp giảm chi phí lãi các khoản nợ bằng USD. Lãi suất USD giảm tạo điều kiện cho các ngân hàng Trung ương trên thế giới hạ lãi suất theo, thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Điều này giúp tăng thu nhập và tiêu dùng của người Mỹ, qua đó cải thiện nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Giảm lãi suất USD cũng giúp dẫn đến giảm áp lực đối với tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền đồng. Điều này giúp giảm chi phí vay vốn bằng ngoại tệ của Việt Nam, hỗ trợ kiềm chế lạm phát do tỷ giá tăng gây ra, do Việt Nam vẫn đang nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất chế biến chế tạo...
Trả lời báo chí, bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, Fed giảm lãi suất là một tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Lãi suất USD hạ giúp thu hút vốn đầu tư quốc tế vào các thị trường các nước đang phát triển như Việt Nam, vốn có mức chênh lệch đáng kể của lãi suất đồng nội tệ đối với lãi suất USD. Điều này ngược lại với thực tế thời gian qua, khi lãi suất USD neo cao, dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ các thị trường mới nổi/cận biên trở về Mỹ.
Tuy nhiên chính sách nào cũng sẽ có độ trễ nhất định, bà Trang dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tích cực dần lên vào cuối năm nay và bứt phá mạnh mẽ hơn vào năm 2025.
Quan sát 2 giai đoạn 2015-2019 và từ năm 2021 đến nay, dòng tiền ngoại vào báo thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có diễn biến ngược chiều đối với chỉ số DXY (là chỉ số đo lường sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với 6 loại tiền tệ khác). Do đó, với việc chỉ số DXY hạ nhiệt, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng kỳ vọng đón nhận dòng vốn ngoại tích cực hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, sau khi Bộ Tài chính thông qua Dự thảo cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua chứng khoán mà không cần đủ tiền, triển vọng nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi tích cực hơn cũng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn với nhà đầu tư quốc tế.
Chỉ số VN-Index tăng, tập trung vào nhóm ngành ngân hàng, tài chính
Trước tác động của việc Fed giảm lãi suất, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua đã có diễn biến khá tích cực. Thể hiện khi VN-Index đầu phiên ngày hôm nay 26/9 tạo khoản trống tăng giá lên mức 1.282,48 điểm, tăng điểm lên gần vùng giá 1.290 điểm sau đó chịu áp lực rung lắc khi lực cung gia tăng vùng giá cao với nhiều mã. VN-Index kết phiên giao dịch 25/9 vẫn tích cực tăng 10,49 điểm (+0,82%) lên mốc 1.27,48 điểm. HNX-Index kết phiên 25/9 tại mốc 235,84 điểm, tăng +1,52 điểm (+0,65%).
Tại Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), có 92 cổ phiếu tăng giá, 63 cổ phiếu tham chiếu và 61 cổ phiếu giảm giá.
Nhóm ngành Ngân hàng tiếp tục ảnh hưởng tích cực lên thị trường khi hầu hết tăng điểm, nhiều mã vượt đỉnh, nổi bật với MSB (+3,02%), STB +2,67%), NVB (+2,20%), MBB (+1,05%)… Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến tăng giá vượt trội, nhiều mã vượt đỉnh cũ, đỉnh lịch sữ, nổi bật như: MBS (+5,76%), VIX (5,26%), CSI (+4,73%), SSI (+3,20%), HCM (+1,63%)...
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), phiên giao dịch ngày 25/9 thực sự là một phiên bùng nổ, với đầy đủ các yếu tố mà nhà đầu tư mong đợi. Đó là khối ngoại mua ròng, độ rộng thị trường tốt, sự dẫn dắt mạnh mẽ của nhóm ngân hàng, khối lượng giao dịch tăng mạnh và tạo khoảng trống giá lên (gap-up). Tất cả những yếu tố này kết hợp lại khiến cho không khí giao dịch trở nên sôi nổi.
Tuy nhiên, ASEANSC lưu ý cũng lưu ý: "Đi cùng với xu hướng tích cực của thị trường trong nước, nhà đầu tư cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến các thị trường quốc tế để xác nhận liệu xu hướng tăng có thể tiếp diễn trong bao lâu. Do đó, nhà đầu tư nên thực hiện cẩn trọng đối với các giao dịch ngắn hạn, đảm bảo lợi nhuận tỷ lệ RR (là một công cụ đánh giá mức độ rủi ro so với lợi nhuận kỳ vọng mà nhà đầu tư có thể đạt được từ một giao dịch cụ thể), và trong trung và dài hạn nên chủ động lượng tiền mặt để sẵn sàng giải ngân khi các cổ phiếu lớn điều chỉnh về vùng hấp dẫn", chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Nhìn lại diễn biến thị trường phiên sáng 26/9 tại HNX, sàn HNX có 66 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index giảm 0,3 điểm (-0,13%) xuống 235,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 20,65 triệu đơn vị, giá trị 425,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,62 triệu đơn vị, giá trị 16,76 tỷ đồng.
Về thanh khoản, toàn thị trường chỉ có 5 mã có khối lượng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, SHS vẫn sôi động nhất với hơn 3 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu; còn các mã khác là PVS, CEO, MBS đều giằng co nhẹ; ngoại trừ duy nhất TNG giữ được sắc xanh, tăng 0,4%.
Vĩnh Hoàng