Chia sẻ hành trình khởi nghiệp bằng ‘vốn văn hóa dân tộc’
(Chinhphu.vn) - Đằng sau một tà áo mộc mạc, một món ăn dân dã… là những “đòn bẩy”, nguồn “vốn văn hóa dân tộc”, giúp nhiều người trẻ thành công trong hành trình khởi nghiệp sáng tạo của mình.
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản Văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) phối hợp với Ban tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tổ chức Toạ đàm "Vốn dân tộc, đòn bẩy cho khởi nghiệp sáng tạo".
Đây một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Tọa đàm là cơ hội để khán giả cùng nhìn nhận về những nguồn lực vốn dân tộc còn đang bỏ ngỏ và những cách thức khai thác làm đòn bẩy cho khởi nghiệp sáng tạo.
PGS. TS Đinh Hồng Hải, Trưởng bộ môn Nhân học, Khoa Nhân học (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) cho biết, trên thực tế, chúng ta có rất nhiều loại vốn: Vốn kinh tế, vốn con người, vốn văn hóa… Ai cũng cần đến vốn để làm ăn, vốn để khởi nghiệp, vốn để duy trì, vốn để phát triển doanh nghiệp,…Vốn là cái chúng ta mưu cầu, một doanh nghiệp có phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào duy trì nguồn vốn.
Tại tọa đàm, mỗi khách mời đều mang đến những câu chuyện khởi nghiệp của riêng mình, sau quá trình không ngừng quan sát, học hỏi và thử nghiệm sản phẩm. Những câu chuyện thú vị đã được kể lại như chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề Lụa đũi Nam Cao Thái Bình, nhà thiết kế thời trang Vũ Thảo Giang và ông chủ "vua dép lốp"…
Những vốn quý từ thiên nhiên, lịch sử, văn hóa đời sống,...là tài sản chung cho hàng triệu người Việt Nam của ngày hôm qua, hôm nay. Và chúng ta được phép để dự phòng cho bối cảnh phát triển khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong tương lai gần, với những mạch nguồn mới đến từ các thế hệ trẻ...
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, nhà thiết kế Vũ Thảo Giang tâm sự về ý tưởng khi chị đưa chất liệu văn hóa truyền thống Việt Nam lên áo dài, như thổ cẩm của người Tày, họa tiết của nghệ thuật khảm sành sứ ở Huế, hay hình ảnh của những di sản được UNESCO ghi danh… Nhờ đó, áo dài không chỉ tôn vinh hình tượng phụ nữ Việt Nam, mà còn góp phần quảng bá văn hóa, di sản và du lịch.
Là người dân tộc Tày, thành công với thương hiệu áo dài, Thảo Giang tâm sự: "Với nhà thiết kế trẻ không có nhiều lợi thế, dấu ấn văn hóa là vốn khởi nghiệp lớn nhất của tôi. Qua quá trình theo đuổi nghề thiết kế thời trang, vốn dân tộc, văn hóa hiện diện trong từng thiết kế. Tôi nhận ra rằng, các bạn trẻ sáng tạo, ứng dụng vốn văn hóa vào khởi nghiệp sẽ dễ thành công hơn nhiều".
Những người trẻ khởi nghiệp bằng vốn văn hóa còn được tiếp sức mạnh mẽ hơn khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng mong muốn đồng hành với những hình ảnh, biểu tượng xưa và kể câu chuyện văn hóa tới công chúng
Những dấu ấn mà Vũ Thảo Giang đã ghi trên hành trình khởi nghiệp của mình không thể không kể tới các bộ sưu tập mà cô đã thực hiện. Khi còn là một nhà thiết kế trẻ của Việt Nam từ khi theo đuổi đam mê với áo dài tới nay "Vốn văn hoá dân tộc" được Vũ Thảo Giang sử dụng rất nhiều ứng dụng di sản văn hóa vào thiết kế thời trang nổi bật với những bộ sưu tập tiêu biểu như: Gốm khảm "Bát nhã", "Qua miền di sản", "Việt Nam gấm hoa", thổ cẩm "Phố Làng", "Sắc hoa"…
"Vốn văn hoá dân tộc" được cô sử dụng như "đòn bẩy" tạo nên thương hiệu của mình không chỉ tạo ra tính thương mại có giá trị cao với sản phẩm mà còn có giá trị với cộng đồng, những bộ sưu tập của Thảo Giang từ những ngày đầu tiên vào nghề tới hiện tại đều quảng bá Di sản - Văn hoá Du lịch Việt Nam góp phần tạo nên Thương hiệu Việt, bản sắc Việt.
"Nguồn "Vốn văn hoá dân tộc" là đòn bẩy khởi nghiệp bền vững, những những sản phẩm mang đậm yếu tố văn hóa dân tộc - không bao giờ cạn ý tưởng về các bộ sưu tập bởi khai thác hàm lượng các yếu tố Văn hoá của Việt Nam vô cùng đa dạng. Việc gìn giữ giá trị truyền thống còn tạo ra mối liên hệ gắn kết sâu sắc giữa nhà thiết kế và những người thuộc một nền văn hóa như nghệ nhân làng nghề góp phần tạo nên sinh kế cho cộng đồng làm nghề truyền thống", Thảo Giang chia sẻ.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, Thảo Giang đã được Nhà nước xét duyệt và vinh danh Top 10 công dân trẻ tiêu biểu của năm 2019 cho những thành tích và những cống hiến của mình cho việc quảng bá Văn hóa Việt Nam và giành nhiều giải thưởng liên tiếp về thiết kế, ý tưởng sản phẩm du lịch góp phần quảng bá Di sản - Văn hóa - Du lịch Việt Nam qua những thiết kế của mình (2019-2022).
Trải qua nhiều năm với những câu chuyện gắn với mồ hôi, nước mắt, sự đam mê và cả những dấn thân, đến nay, câu chuyện khởi nghiệp từ chất liệu văn hoá dân tộc vẫn còn nhiều điều đáng luận bàn. Chúng ta có thể mở rộng hơn khái niệm "chất liệu văn hoá dân tộc" trở thành "vốn dân tộc", để thấy rằng ẩn sau một làng nghề truyền thống, một làn điệu dân ca, hay một món ăn, một tà áo mộc mạc… là những chất nền căn cước, mang theo tư duy, cốt cách và tâm hồn Việt Nam.
Có thể thấy rằng, nếu có nhận thức đúng đắn, vốn quý không còn đơn thuần là nguồn lực mà trở thành đòn bẩy cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác một cách hiệu quả, phát huy tối ưu chân giá trị di sản cha ông để lại.
Diệu Anh