Chính sách hỗ trợ người lao động bị nhiễm COVID-19
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, số ca F0 tăng cao. Nhiều người lao động trở thành F0, tiếp tục đối mặt với những khó khăn như sức khỏe và thu nhập bị giảm sút, cuộc sống bị xáo trộn... Có những chính sách gì hỗ trợ cho người lao động bị nhiễm COVID-19, thủ tục để thụ hưởng chính sách như thế nào? là vấn đề đang được người lao động đặc biệt quan tâm.
Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến việc làm, đời sống của người dân, trong đó có người lao động. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Với tinh thần chủ động sáng tạo, các cấp công đoàn đã có nhiều giải pháp nhằm chăm lo, hỗ trợ tốt nhất cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Công đoàn thành phố Hà Nội đã sáng tạo, linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động chăm lo hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động như tổ chức các chuyến xe buýt siêu thị 0 đồng. Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức các chuyến xe "Ô tô siêu thị 0 đồng" mở "Siêu thị 0 đồng" trao trực tiếp các "Túi an sinh công đoàn" là lương thực, thực phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động đang phải cách ly, người lao động thực hiện phương án "3 tại chỗ", phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Những hoạt động trên đã giúp cho người lao động và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm và đời sống của công nhân lao động.
Đến nay tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm, tuy nhiên đời sống của người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, Nhà nước, Chính phủ, các ngành, các cấp vẫn tiếp tục có những chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động khắc phục khó khăn do dịch COVID-19.
Được biết, nhiều người lao động trở thành F0, tiếp tục đối mặt với những khó khăn như sức khỏe và thu nhập bị giảm sút, cuộc sống bị xáo trộn... Có những chính sách gì hỗ trợ cho người lao động bị nhiễm COVID-19, thủ tục để thụ hưởng chính sách như thế nào?… là vấn đề đang được người lao động đặc biệt quan tâm.
Là công nhân tại doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam, chị Vũ Thị Phượng chia sẻ, chị bị mắc COVID-19 và đã hoàn thành điều trị, cách ly tại nhà. Khi chị Phượng đi làm trở lại, nhưng không thấy công ty yêu cầu nộp giấy tờ, dẫn đến chị bị mất quyền lợi khi giải quyết chế độ.
Hay như trường hợp chị Nguyễn Thị Thủy (Công ty TNHH Denso Việt Nam) chia sẻ: "Tôi bị nhiễm COVID-19, tôi nghỉ việc điều trị tại nhà 7 ngày, âm tính tôi bắt đầu quay trở lại công ty làm việc. Tuy nhiên sau khi trở lại làm việc, sức khỏe của tôi chưa phục hồi, thường xuyên mệt mỏi. Tôi không biết liệu mình có được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe hay không và thời gian nghỉ là bao nhiêu ngày?".
Trước những thắc mắc của người lao động về hưởng chế độ khi mắc COVID-19, ông Ngô Trung Tứ, Phó Trưởng phòng Quản lý Thu (BHXH TP. Hà Nội) cho biết, với quy định mới nhất, người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi mắc COVID-19. Trường hợp điều trị tại nhà, người lao động để được hưởng BHXH phải bảo đảm thủ tục giấy tờ, bắt buộc có giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH. Căn cứ vào đó thì cơ quan BHXH mới làm thủ tục thanh toán chế độ nghỉ ốm cho người lao động.
Nếu chưa được cấp giấy chứng nhận này, người lao động cần liên hệ cơ sở y tế để được cấp giấy. Về thời hạn giải quyết chế độ, căn cứ vào hồ sơ của đơn vị người lao động gửi lên cơ quan bảo hiểm, việc giải quyết sẽ trong khoảng thời gian từ 5-7 ngày; nếu không được giải quyết sẽ có phiếu trả. Việc quá thời hạn vẫn chưa nhận được chế độ hoặc phiếu trả thì có thể do hồ sơ phát sinh vấn đề, cần liên hệ với cán bộ BHYT tại đơn vị để làm rõ.
Bên cạnh đó, trường hợp nhiễm COVID-19 điều trị 7 ngày ở nhà, coi như là bệnh ốm, người lao động phải bảo đảm quy định giấy tờ, ngày nghỉ ốm phải đúng theo giấy tờ. Sau khi khỏi bệnh, người lao động còn thấy mệt mỏi, chưa thể hồi phục sẽ được hưởng thêm thời gian dưỡng sức, chế độ hưởng không quá 5 ngày. Giấy tờ nghỉ ốm thì do cơ sở y tế cung cấp, giấy dưỡng sức là do cơ quan sử dụng lao động.
Ông Ngô Trung Tứ cũng cho hay, người lao động để được hưởng chế độ BHXH phải bảo đảm đủ thủ tục giấy tờ, có giấy chứng nhận nghỉ ốm. Người lao động nộp giấy xác nhận nghỉ ốm tại nơi làm việc, sau đó nơi làm việc sẽ chuyển đến cơ quan BHXH. Thời gian Người lao động nghỉ tối đa bao nhiêu ngày/năm được quy định rõ trong Điều 26 của Luật BHXH.
Tất cả các điều kiện để được thanh toán bảo hiểm thì bảng lương chấm công của đơn vị phải thể hiện những ngày đó công nhân nghỉ làm, trường hợp công nhân đi làm sẽ không được thanh toán chế độ nghỉ ốm…
Diệu Anh