Chống buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường mạng
(Chinhphu.vn) - Để công tác phòng ngừa ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ... trên môi trường mạng hiệu quả, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn; kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng bán hàng trên mạng có dấu hiệu bán hàng giả, hàng nhái.
Gian lận thương mại trên Internet vẫn diễn biến phức tạp |
Mới đây, Cục QLTT TP. Hà Nội đã tham gia Hội nghị tập huấn tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử bằng hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải cho biết, hiện nay, Internet đã bao phủ hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Tiêu dùng nội địa đang ngày càng đóng góp nhiều trong tăng trưởng GDP, qua đó đã thúc đẩy phương thức trao đổi hàng hóa qua thương mại điện tử. Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua thương mại điện tử ngày càng tinh vi, phức tạp.
Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho thương mại phát triển bền vững, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Cũng theo ông Lê Thanh Hải, Văn phòng thường trực nhận thấy, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử là một nhiệm vụ mới, phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng nhận thức rõ bản chất của thương mại điện tử cũng như nhận diện các hành vi vi phạm.
Cần sự “chung tay” từ chính các sàn thương mại điện tử
Theo Cục QLTT Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng QLTT Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ hàng loạt vụ tập kết, vận chuyển mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng mà các đối tượng chủ yếu lợi dụng hình thức livestream trên mạng xã hội để tiêu thụ.
Điển hình, ngày 22/6, lực lượng QLTT phối hợp PC03 (Công an TP. Hà Nội) “tổng tấn công” các địa điểm tại Hưng Yên và Hà Nội thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm, chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang và đồ gia dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ, được kinh doanh chủ yếu trên nền tảng thương mại điện tử.
Tiếp đó, ngày 25/6, Đội QLTT số 22 (Cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh theo hình thức bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo tại số nhà 3, ngõ 401/41/25 đường Cổ Nhuế (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm), phát hiện một lượng lớn sản phẩm gia dụng là hàng lậu, hàng giả do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ tiếng Việt...
Ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, hiện nay, Internet đã bao phủ hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Tiêu dùng nội địa đang ngày càng đóng góp nhiều trong tăng trưởng GDP, qua đó đã thúc đẩy phương thức trao đổi hàng hóa qua thương mại điện tử. Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua thương mại điện tử ngày càng tinh vi, phức tạp.
Dịch COVID-19 càng khiến nhu cầu mua hàng online (trực tuyến) tăng cao kéo theo số lượng người mua bán tham gia kênh này cũng bùng nổ. Nhiều đối tượng đã lợi dụng các hình thức này để tiêu thụ số lượng lớn hàng giả, hàng lậu vi phạm pháp luật. Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, rất cần sự “chung tay” kiểm soát chặt chẽ hơn từ chính các sàn thương mại điện tử nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Để công tác phòng ngừa ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ... trên môi trường mạng hiệu quả, Cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, thống kê và nắm thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; kiểm tra địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng bán hàng trên mạng có dấu hiệu bán hàng giả, hàng nhái, thậm chí xử lý hình sự đối với những trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
"Đối với người tiêu dùng, cần bỏ thói quen sử dụng hàng nhái, hàng giả, vì biết là hàng giả, hàng nhái mà vẫn mua là tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, cũng như làm giàu cho những người kinh doanh bất chính”, ông Chu Xuân Kiên khuyến cáo.
Bích Phương