Chủ động các giải pháp tiết kiệm năng lượng
(Chinhphu.vn) - Việc chủ động áp dụng các biện pháp quản lý kỹ thuật, giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện sẽ không chỉ giúp giảm hóa đơn tiền điện mang lại lợi ích kinh tế trong hoạt động mà còn góp phần đưa văn hóa tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện ngày càng lan tỏa.

Lắp đặt hệ thống pin mặt trời giúp giảm nhiều chi phí, chủ động nguồn điện. Ảnh minh họa
Phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,6%-1,8%
Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhu cầu sử dụng điện hè năm 2024 trên cả nước có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhất là giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7, lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 13%, cao hơn nhiều so với dự báo trước đây. Riêng miền Bắc, dự kiến lượng điện tiêu thụ tăng tới 17%.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia dự kiến, công suất tiết giảm của thành phố Hà Nội khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn (nếu xảy ra) sẽ phải tiết giảm từ 0,91 đến 4,25% công suất đỉnh dự báo, tương đương thiếu 46 đến 242 MW.
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay đơn vị đang cung cấp điện cho hơn 2,8 triệu khách hàng. Trong đó, có hơn 2,52 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt và 280 nghìn khách hàng sử dụng điện vào mục đích khác. Năm 2023, lượng điện tiêu thụ lớn nhất của Thủ đô Hà Nội là vào ngày 27/7/2023 với mức 101 triệu kWh, vượt quá cả lượng điện tiêu thụ lớn nhất (Apmax) của Thành phố Hồ Chí Minh và lớn hơn 13 tỉnh miền trung cộng lại, trong đó, hơn 57% là điện phục vụ tiêu dùng sinh hoạt.
Nhận định những khó khăn, thách thức có thể phải đối mặt trong năm 2024 và các năm tiếp theo, EVNHANOI đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật và vận hành hệ thống điện; trong đó, tiến hành rà soát, cập nhật, phân tích đánh giá số liệu phụ tải theo từng khu vực, đưa ra các dự báo phụ tải sát với thực tế để xây dựng kịch bản, giải pháp cấp điện phù hợp.
Tổng Công ty đã chỉ đạo các đơn vị tập trung kiểm tra hệ thống đường dây, trạm biến áp nhằm sớm phát hiện, xử lý các điểm xung yếu; chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng lưới điện, nhất là các công trình cấp bách vận hành trước mùa hè. Bên cạnh đó, tổng công ty luôn chú trọng tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả với quan điểm "Tiết kiệm sử dụng điện hôm nay để dành cho ngày mai tươi sáng".
Năm nay, thành phố Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,6% đến 1,8% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu; trong đó, tiết kiệm ít nhất 2,2% tổng điện năng tiêu thụ cho các khu vực tiêu dùng; đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo tăng thêm khoảng 67 MW từ điện rác, đưa tổng nguồn năng lượng từ xử lý rác của thành phố Hà Nội đạt khoảng 129,3 MW; đồng thời, phấn đấu giảm phụ tải đỉnh của hệ thống điện thành phố khoảng 100 MW (không phải tiết giảm điện do thiếu nguồn).
Tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện
Thành phố Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm nắng nóng, dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao. Để góp phần giảm tải hệ thống điện, thành phố Hà Nội kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, để bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và thời gian tiếp theo, UBND Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện. Thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị phải xác định việc bảo đảm cung cấp điện là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chất lượng; thường xuyên kiểm điểm tiến độ, đánh giá kết quả triển khai công việc được giao; chủ động tham mưu giải pháp tháo gỡ kịp thời các nội dung, vướng mắc liên quan để đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn, tin cậy.
Các đơn vị tăng cường quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát về quản lý, vận hành hệ thống điện, ngừng giảm cung cấp điện theo đúng quy định, bảo đảm nguyên tắc minh bạch, công bằng, vì lợi ích chung, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống dân sinh…
Các ngành liên quan nghiên cứu giải pháp kêu gọi, thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; cương quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án nguồn và lưới điện trên địa bàn theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và phương án phát triển lưới điện trong các quy hoạch được phê duyệt; đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, quy hoạch, điện lực, đất đai, lâm nghiệp, khoáng sản, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan đến năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu toàn hệ thống chính quyền nghiêm túc, chủ động thực hiện giải pháp đẩy mạnh tiết kiệm điện và bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định trong ngành, lĩnh vực, địa phương…
Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội lập danh mục cụ thể các phụ tải bị tiết giảm theo kịch bản cấp điện đã báo cáo tại văn bản số 3190/BC EVNHANOI ngày 16/4/2024, nhất là phụ tải điện không thuộc danh mục phụ tải điện quan trọng nhưng là đơn vị trong chuỗi cung ứng sản phẩm thiết yếu cho Thành phố, các phụ tải có hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao, yêu cầu chặt chẽ sự ổn định cấp điện. Danh mục các khách hàng trên, yêu cầu gửi về Sở Công Thương trước ngày 25/5/2024 để thực hiện việc giám sát, tham mưu điều hành chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa, bảo đảm ổn định kinh tế-xã hội.
Sở Công Thương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch cung ứng điện của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội; chủ trì cùng Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu Thành phố về giải pháp đảm bảo cung ứng điện, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân…
Diệu Anh