Chủ động phòng, chống dịch chặt chẽ khi người lao động trở lại làm việc

28/09/2021 4:01 PM

(Chinhphu.vn) - Để khôi phục sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp Hà Nội đã chủ động lên phương án phòng, chống dịch chặt chẽ khi lao động trở lại làm việc như tiêm vaccine cho người lao động, giảm mật độ lao động bằng cách chia ca, có phương án xét nghiệm COVID-19 cho người lao động định kỳ…

Hà Nội luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư và doanh nghiệp

Giúp doanh nghiệp vận tải Thủ đô phục hồi sau đại dịch

Doanh nghiệp lên phương án phòng, chống dịch chặt chẽ hơn khi người lao động trở lại làm việc. Ảnh: Kim Liên

“An toàn cho sản xuất và sản xuất phải an toàn”

Phấn khởi vì tình hình dịch bệnh của Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát, ông Lê Tiến, Trưởng phòng An ninh, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Công ty Đại Việt Diên Đức có trụ sở tại 224 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội cho biết, hiện toàn bộ nhân viên của công ty đều được tiêm vaccine để sẵn sàng quay trở lại làm việc.

Theo ông Tiến, hoạt động của công ty là chuyên tư vấn và cung cấp, tìm kiếm văn phòng và nhà, căn hộ cho thuê trên toàn Hà Nội. Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động của công ty bị ảnh hưởng không nhỏ. Để bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, công ty đã thành lập “Tổ an toàn phòng, chống COVID-19”, qua đó phát huy tinh thần trách nhiệm của nhân viên, người lao động trong giám sát, nhắc nhở nhau cùng thực hiện nghiêm quy định 5K; đồng thời triển khai nhiều hình thức tuyên truyền để nhân viên, người lao động và người nước ngoài đang thuê nhà thực hiện nghiêm…

“Nhân viên công ty ai cũng mong sớm được trở lại làm việc bình thường. Người nước ngoài thuê nhà, sử dụng dịch vụ của công ty rất yên tâm với các biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam và phấn khởi khi được tham gia tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19”, ông Tiến cho biết thêm.

Ngoài sự chuẩn bị về lao động, các doanh nghiệp còn lên phương án phòng, chống dịch chặt chẽ hơn trong điều kiện số lao động ngày càng tăng lên. Các kịch bản về tầm soát COVID-19, bố trí khu sản xuất, ăn nghỉ giữa ca riêng cho số lao động mới trước khi hòa nhập với số lao động hiện có cũng đã được các doanh nghiệp tính toán cụ thể nhằm đảm bảo “an toàn cho sản xuất và sản xuất phải an toàn”.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương cho biết, công ty đã đưa ra phương án hoạt động sản xuất tối ưu nhất và phù hợp nhất đối với hiện trạng của doanh nghiệp nhằm giảm chi phí và mang hiệu quả cao.Hiện công ty đang gấp rút chuẩn bị nguyên vật liệu, nhân lực, đồng thời tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine 100% cho người lao động để nhanh chóng bước vào sản xuất.

“Công ty yêu cầu tất cả nhân viên ký cam kết thực hiện nghiêm túc phương án phòng chống dịch theo quy định. Chọn giải pháp giảm mật độ lao động bằng cách chia ca và thực hiện “2 tại chỗ” là sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ đối với công nhân sản xuất. Đối với khối văn phòng và kinh doanh, công ty vẫn ưu tiên làm việc online. Khối vận chuyển sẽ thực hiện khai báo điểm đến và điểm đi... hằng ngày, kết hợp với đối tác để thực hiện tốt phòng chống dịch”, bà Phương nói.

Quản lý chặt chẽ người lao động tại KCN, KCX

Để thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch trong sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, ông Trần Anh Tuấn, Phó Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, Ban đã đề nghị các doanh nghiệp quản lý chặt chẽ người lao động làm việc tại doanh nghiệp (kể cả lao động của các nhà thầu phụ); thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn tại Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG của Ban chỉ đạo Quốc gia và cập nhật trên bản đồ antoancovid.vn và trên hệ thống khai báo trực tuyến covid.hiza.hanoi.gov.vn của Ban Quản lý.

Đồng thời, thành lập Tổ xét nghiệm tự nguyện tại doanh nghiệp, phối hợp với các đơn vị đủ điều kiện để thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho người lao động định kỳ. Có phương án kiểm soát dịch bệnh trong quá trình giao, nhận hàng hóa, nguyên vật liệu, linh kiện, thực phẩm,… bảo đảm phòng, chống dịch.

Với người lao động và việc ăn, ở, đi lại của người lao động, lãnh đạo doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người lao động của doanh nghiệp và chủ nhà trọ (đối với lao động thuê trọ) sắp xếp bố trí cho người lao động ở tập trung để quản lý chặt chẽ sau khi rời nơi làm việc về nhà trọ; bảo đảm an toàn, hiệu quả trong phòng chống COVID-19 cho người lao động (Mỗi nhà trọ hoặc cụm nhà trọ chỉ có người lao động của 1 hoặc 2 doanh nghiệp thuê để ở); tuyên truyền người lao động chỉ đi làm và về nhà, tuyệt đối không tụ tập đông người ăn uống liên hoan, sinh nhật.

Thiết lập hệ thống quản lý chặt chẽ người lao động, bố trí người lao động theo phương châm "4 cùng": Cùng ở - Cùng đi làm - Cùng làm phân xưởng/tổ - Cùng ăn; quy định về vị trí ngồi ăn cố định đối với từng người theo từng ca; hoặc vị trí chỗ ngồi cố định trên xe đưa/đón (nếu tổ chức đưa đón tập trung).

Đồng thời, người lao động thực hiện nghiêm quy định 5K, khai báo y tế hằng ngày trên Website tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Bluzone, NCOVI, khai báo y tế trên tokhaiyte.vn; ký cam kết với người sử dụng lao động việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch…

Mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng ban hành Công văn số 3229/UBND-KT, theo đó, yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, các tiêu chí an toàn trong hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh, các khu công nghiệp... theo hướng dẫn của các bộ, ngành.

Có thể thấy, việc các doanh nghiệp chủ  động lên phương án phòng chống dịch chặt chẽ hơn khi người lao động quay trở lại làm việc là điều hết sức quan trọng và cần thiết, bởi dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, nguy cơ xuất hiện F0 có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chủ quan, lơ là.

Kim Liên -  Việt Hà

Top