Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em vị thành niên phạm tội
(Chinhphu.vn) – Hà Nội tiếp tục nâng cao hiệu quả các mô hình quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật; tăng cường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để tiến hành phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em vị thành niên phạm tội.
Vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên gia tăng
Theo Ban Pháp chế (HĐND Hà Nội), trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ phạm tội, số đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa, các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn.
Theo số liệu thống kê của Công an Thành phố, trong 6 năm (từ 2018 đến hết 2023) đã phát hiện 858 vụ, 3.150 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, chiếm 3,4% tổng số vụ phạm pháp hình sự xảy ra.
Đánh giá của Công an TP.Hà Nội cho thấy, thực trạng tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên tăng lên cả về số vụ và số lượng đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội; thể hiện qua con số năm 2018 phát hiện 100 vụ, 204 đối tượng đến năm 2023 phát hiện 231 vụ, 1309 đối tượng (tăng 642% so với năm 2018).
Thứ hai là sự gia tăng về mức độ phức tạp, liên quan đến quy mô, hình thức của các tội danh. Các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn. Trong số 858 vụ, 3.150 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật thì các loại tội phạm chủ yếu là: Giết người (19 vụ, 55 đối tượng), cướp tài sản (107 vụ, 302 đối tượng), cưỡng đoạt tài sản (08 vụ, 17 đối tượng), cướp giật tài sản (41 vụ, 87 đối tượng)…
Qua đánh giá, phân loại cho thấy tình hình gia tăng tình trạng học sinh vi phạm pháp luật. Cụ thể, trong số 3.150 đối tượng vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi thì đã bỏ học là 1.278 đối tượng (40,6%); còn lại là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường (59,6%).
Đáng chú ý thời gian gần đây tình trạng các thanh thiếu niên tụ tập thành các nhóm (gồm cả học sinh) thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích..., thậm chí còn mang theo hung khí (dao kiếm, tuýp sắt gắn dao bầu...) để giải quyết mâu thuẫn (gọi là tội phạm đường phố) diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây racác vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như: giết người, cướp tài sản, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích... gây tâm lý hoang mang, bất an cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Theo Công an Thành phố, ngoài những nguyên nhân, điều kiện của tội phạm hình sự nói chung, còn có những đặc điểm riêng như: lứa tuổi, đặc trưng về tâm sinh lý... và những nguyên nhân xuất phát từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Về nguyên nhân xuất phát từ nhà trường và xã hội, Công an TP. Hà Nội nhận định, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên còn chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên liên tục; công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường nhiều nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao.
Các biện pháp xử lý kỷ luật đối với các học sinh vi phạm trong trường học hiện nay còn nhiều bất hợp lý (ví dụ như việc xử lý đối với các học sinh vi phạm kỷ luật ở hình thức buộc thôi học, dẫn đến các em bị thất học, không có việc làm, bị bọn xấu lôi kéo).
Ngoài ra do môi trường xã; sự bùng nổ của công nghệ thông tin (đặc biệt là các trang mạng Facebook, Zalo, Instagram..., nhiều trò chơi Game, phim, ảnh không lành mạnh, có tính chất đồi trụy, bạo lực, kích động… phát triển bùng nổ, thiếu kiểm soát, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em vị thành niên.
Nhân rộng các phong trào, mô hình phòng, chống tội phạm
Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường trong việc tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa trẻ vị thành niên phạm tội thời gian qua đã được các cấp, các ngành quan tâm; chỉ đạo xây dựng, tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch và bước đầu có những kết quả tích cực, góp phần ngăn chặn thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật.
Các ban, ngành đoàn thể các địa phương đã phối hợp đẩy mạnh thực hiện, xây dựng, nhân rộng các phong trào, mô hình phòng, chống tội phạm như "Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo", "Thôn tự quản chống lây lan ma túy", "Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ", "Mái trường thân thiện, không có ma túy", "Tổ phụ nữ phòng, chống tệ nạn xã hội" ... qua đó góp phần giảm tình trạng vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên trên địa bàn Thành phố.
Các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh đã tích cực phối hợp với các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao, cung cấp sân chơi bổ ích cho trẻ em; qua đó lồng ghép giáo dục tuyên truyền phổ biến pháp luật cho trẻ em.
Công an các địa phương đã phối hợp với ngành giáo dục, các nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nhất là các văn bản có liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự đến các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Công an Thành phố đã thực hiện 08 mô hình về quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật: Phường Yên Phụ, quận Tây Hồ với mô hình "Phát động toàn dân tham gia giúp đỡ, quản lý, giáo dục trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng"; phường Quang Trung, quận Hà Đông mô hình "An ninh học đường"; xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai mô hình "Quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật"; Thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức mô hình "Quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên có nguy cơ vi phạm pháp luật"…
Chủ động phòng ngừa tội phạm, trong đó có tội phạm trẻ vị thành niên
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, trong đó có tội phạm trẻ vị thành niên, Ban Pháp chế (HĐND Hà Nội) đã đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo chuyên đề cho cán bộ, nhân dân với các hình thức tuyên truyền phù hợp, thiết thực để chủ động phòng ngừa tội phạm, trong đó có tội phạm trẻ vị thành niên.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng về vai trò và trách nhiệm của của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ em vị thành niên; chú trọng hơn nữa tới việc quản lý, giáo dục trẻ em trong mỗi gia đình và trong nhà trường; tạo môi trường thuận lợi cho trẻ vị thành niên phát triển lành mạnh, hoàn thiện nhân cách.
Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý xã hội, quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, giáo dục có liên quan đến đạo đức, nhận thức và phát triển hình thành nhân cách của trẻ em; tăng cường quản lý trên không gian mạng; quản lý, kiểm soát chặt chẽ các luồng văn hóa phẩm, sách báo, các loại băng hình có nội dung không lành mạnh; kiểm soát tiến tới nghiêm cấm các hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em tại các khu vực gần trường học, khu vui chơi giải trí của trẻ em. –
Cần kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Tổ dân phố... để có khả năng giải quyết các tình huống ngay từ cơ sở; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại đến quyền; làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm trong từng hộ gia đình.
Các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất, áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong các nhà trường; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong.
Công an Thành phố và quận, huyện, thị xã sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục, thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ thành phố xuống cơ sở để phát huy hiệu quả cao trong công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật ở trẻ em vị thành niên. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và các cơ sở giáo dục tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em... để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, các tổ chức đoàn thể quần chúng.
Chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng hiệu quả các mô hình quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, trong đó lấy phòng ngừa xã hội là cơ bản. Tăng cường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ công khai để tiến hành phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em vị thành niên phạm tội.
Gia Huy