Chủ động, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4

01/06/2023 3:28 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, TP. Hà Nội đã rất chủ động, quyết liệt, áp dụng các nhóm giải pháp chính cho công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô.

Chủ động, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Ảnh 1.

Công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 được TP. Hà Nội triển khai chủ động, quyết liệt. Ảnh minh họa

Chia sẻ về công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án đường bộ cao tốc sáng 1/6, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội kết nối với các tỉnh, thành phố Vùng Thủ đô, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây và ngược lại thông qua 7 tuyến cao tốc trọng yếu gồm: Nội Bài - Lào Cai; Đại lộ Thăng Long; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hạ Long. Các tuyến cao tốc này lại được kết nối với nhau trên cơ sở một số tuyến vành đai chính như: Vành đai 3, 4, 5…

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai đầu tư một số tuyến cao tốc quan trọng đi qua Hà Nội. TP. Hà Nội mới đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch đoạn tuyến cao tốc từ Hoà Lạc-Hoà Bình và tập trung triển khai dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.

"Hiện quá trình chuẩn bị đầu tư dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô, Hà Nội đã đạt một số kết quả rất tích cực, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay.

Cụ thể, TP. Hà Nội đã rất chủ động, quyết liệt, áp dụng các nhóm giải pháp chính cho công tác giải phóng mặt bằng. Thứ nhất là tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, ưu điểm của giải pháp này là giúp cho việc giải phóng mặt bằng không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc. Có thể triển khai sớm công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt, bảo đảm việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước.

Bên cạnh đó, Thành phố triển khai đồng thời với công tác giải phóng mặt bằng một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương tổ chức thực hiện. Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng sẽ được cập nhật bảo đảm phù hợp với dự án đầu tư được duyệt.

Rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, rà soát nhu cầu tái định cư, tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, thực hiện giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).

TP. Hà Nội cũng đã căn cứ theo Điều 111 của Luật Đất đai (năm 2013) để ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đã được phê duyệt để thực hiện giải phóng mặt bằng làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm.

Ngoài ra, để tăng tính chủ động của địa phương, TP. Hà Nội đã giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng trực tiếp cho các quận huyện có tuyến Vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương.

Nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động như vậy, hiện tại khối lượng giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn TP. Hà Nội đã đạt 70%, dự kiến đạt 80% trước khi khởi công (vượt chỉ tiêu 10%).

Bích Phương

Top