Chủ động ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro

17/05/2019 11:30 AM

(Chinhphu.vn) - Cùng với biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai với những biểu hiện bất thường, trái quy luật, cực đoan đã và đang xảy ra ngày càng gay gắt ở nước ta, trong đó có Thủ đô Hà Nội cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, để chủ động đối phó với các tình huống thiên tai, bão mạnh, siêu bão gây ra, các đơn vị, địa phương cần chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.

Đồng chí Phạm Thanh Học, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành uỷ phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Thiện Tâm

Ngày 17/5, Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tổ chức Hội nghị Triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới các xã, phường thị trấn năm 2019.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tính từ đầu năm đến nay đã xuất hiện một cơn bão trên biển Đông nhưng không ảnh hưởng đến Hà Nội. Tổng lượng mưa từ đầu năm đến hết tháng 4/2019 là 193,90 mm, cao hơn cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong tháng 1 và tháng 2, trên sông Đà, sông Hồng và sông Đuống có 2 đợt nước lên với biên độ 1,50-2,00m. Nhìn chung tình hình thời tiết khí tượng thuỷ văn trong 4 tháng đầu năm 2019 tương đối bình thường, chưa có những diễn biến phức tạp hoặc cực đoan.

Theo nhận định trong năm 2019 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, đề phòng hiện tượng thời tiết cực đoan, bão lũ diễn biến thất thường, nắng nóng gay gắt kéo dài... Điều đó sẽ kéo theo các nguy cơ cao về các sự cố, thảm hoạ cháy nổ, sập đổ công trình...

Ông Phạm Văn Khương cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm cường độ thiên tai trung bình có xu thế gia tăng, tần suất thiên tai lớn xuất hiện dày hơn, có nhiều đợt thiên tai cực đoan trái với quy luật, khó dự báo, cảnh báo nhiều tình huống bất ngờ, vượt quá năng lực chống chịu của các hệ thống phòng chống. Địa hình khu vực phía tây Hà Nội có độ dốc lớn nên bị ảnh hưởng mạnh của lũ rừng ngang từ Hoà Bình dồn về nhanh, trong thời gian ngắn mực nước các sông lên cao dẫn đến tình hình ngập úng nặng nề hơn nhất là trên địa bàn 2 huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức.

Tình hình khí tượng thuỷ văn, thời tiết nguy hiểm, nhất là các loại hình thiên tai như bão trái mùa, trái quy luật, mưa lũ cường suất lớn, hạn hán, lũ lụt, nắng nóng, rét đậm rét hại. Chính vì vậy cần phải có biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng cho người, tài sản; biện pháp tránh nắng cho gia súc, gia cầm và bảo vệ sản xuất.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Thanh Học, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ yêu cầu các xã, phường, thị trấn cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai; phổ biến kiến thức cơ bản cho người dân không được chủ quan, lơ là, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đôn đốc dân cư vùng ven đê cần trồng tre hộ đê, bao đê, xử lý vi phạm nghiêm khắc những trường hợp vi phạm.

Chỉ đạo, tổ chức xử lý kiên quyết, đúng quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm luật đê điều, luật phòng chống thiên tai, thuỷ lợi... không để xảy ra những trường hợp vi phạm mới không bị xử lý. 

Thiện Tâm

Top