Chủ động ứng phó thiên tai và bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ 2025
(Chinhphu.vn) - Hà Nội sắp bước vào cao điểm mùa mưa lũ năm 2025 với những dự báo thời tiết diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Hà Nội sớm triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống thiên tai với tinh thần chủ động, bài bản và đầy quyết tâm.
Mùa mưa lũ năm 2025 dự báo thời tiết diễn biến phức tạp
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, từ nay đến tháng 7/2025, Biển Đông có thể xuất hiện từ 2-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó ít nhất 1 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội. Dự kiến, thành phố Hà Nội có thể phải hứng chịu 2-4 đợt mưa vừa đến mưa to trên diện rộng kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Các con sông lớn chảy qua Hà Nội như sông Hồng, sông Đáy, sông Tích và sông Bùi đều tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện 3-5 đợt lũ. Ảnh internet
Các con sông lớn chảy qua Hà Nội như sông Hồng, sông Đáy, sông Tích và sông Bùi đều tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện 3-5 đợt lũ, trong đó có những đợt lũ đạt đỉnh ở mức báo động II, thậm chí báo động III xuất hiện tập trung vào tháng 7, tháng 8 và đầu tháng 9. Điều này không chỉ gây nguy cơ ngập úng cục bộ ở các khu vực nội thành mà còn đe dọa đến an toàn hệ thống đê điều ở vùng ngoại thành và các khu vực trũng thấp.
Trước những cảnh báo trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 23/5/2025, yêu cầu các địa phương miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống sạt lở đất, lũ quét và ngập lụt cục bộ.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, UBND TP. Hà Nội mới đây đã ban hành Công văn số 3159/UBND-NNMT, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện về việc triển khai biện pháp ứng phó thiên tai.
Theo đó, UBND Thành phố giao các sở, ngành: Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Công an, Bộ Tư lệnh Thủ đô; UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị có liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 70 nêu trên.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp để chủ động ứng phó thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước trên địa bàn thành phố;
Tuyệt đối không được để xảy ra gián đoạn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với thiên tai khi thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Không chỉ ngành nông nghiệp, các lực lượng vũ trang, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP. Hà Nội và lực lượng phòng cháy chữa cháy – cứu nạn cứu hộ cũng vào cuộc tích cực. Bộ Công an đã ban hành Công điện số 03/CĐ-V01 yêu cầu rà soát toàn bộ các điểm có nguy cơ ngập sâu và có phương án sơ tán người dân nếu xảy ra sự cố lớn.
Các lực lượng chức năng, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cũng đã tổ chức cứu hộ cứu nạn, chuẩn bị thiết bị như xuồng cứu sinh, dây cứu hộ, đèn chiếu sáng, bộ lọc nước di động... Mục tiêu hàng đầu là không để thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai.
Bên cạnh công tác chủ động phòng chống, Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác cảnh báo và truyền thông cộng đồng. Thành phố Hà Nội đã vận hành 42 trạm quan trắc thời tiết và mực nước tự động, phủ khắp các quận, huyện trọng điểm. Ngoài ra, Hà Nội cũng sử dụng mạng xã hội Zalo và ứng dụng để gửi thông tin dự báo mưa lớn, thông báo khẩn khi có lũ lên cao.
Bảo đảm an toàn các công trình phòng, chống lũ
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 12 quyết định công bố tình huống khẩn cấp và lệnh xây dựng công trình khẩn cấp nhằm ứng phó, khắc phục kịp thời các sự cố.
Thành phố Hà Nội cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội và các quận, huyện: Hà Đông, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ… làm chủ đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai. Thời hạn hoàn thành được yêu cầu trước ngày 30/6/2025.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 24/5, có 8 dự án đã được triển khai ngoài thực địa với khối lượng thi công đạt từ 30% đến 80%.
Thực tế tại công trình xử lý sạt lở đê Gò Khoăm (xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ), khối lượng thi công đã đạt trên 80%. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết, nguyên vật liệu thi công nhưng Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và phát triển công nghệ Việt Nga cam kết hoàn thành dự án trước ngày 15/6, đưa công trình vào sử dụng trước mùa mưa lũ.
Tại công trình khắc phục sự cố đê hữu Bùi - đoạn qua xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ), tiến độ cũng đạt hơn 80%, dự kiến hoàn thành vào ngày 15/6. Đại diện các chủ đầu tư tại những điểm còn lại thuộc địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Ba Vì, Quốc Oai đã cam kết khởi công vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Để bảo đảm an toàn công trình đê điều trong mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng và thời gian hoàn thành các công trình khắc phục sự cố.
Các quận, huyện, thị xã phối hợp với các hạt quản lý đê tổng kiểm tra, xây dựng và triển khai phương án hộ đê theo từng tuyến, từng khu vực trọng điểm, bám sát phương châm "4 tại chỗ".
Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai; tổ chức diễn tập, tập huấn nâng cao năng lực ứng phó cho các lực lượng làm nhiệm vụ hộ đê…
Từ những công trình đê điều cấp bách, phương án hộ đê chi tiết, hệ thống cảnh báo sớm tích hợp công nghệ, cho đến sự huy động nguồn lực tổng thể từ các cấp, ngành, lực lượng vũ trang và người dân, tất cả đều hướng đến một mục tiêu: bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, tài sản và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong điều kiện thiên tai ngày càng bất định.
Theo các chuyên gia, để chủ động ứng phó thiên tai và bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ, Hà Nội cần xem xét một số nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, cần luật hóa việc phân bổ ngân sách thường xuyên cho bảo trì đê điều và phòng chống thiên tai, đồng thời huy động hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa, vốn ODA và hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng hạ tầng và năng lực quản lý rủi ro.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ. Đầu tư mạnh hơn vào hệ thống dự báo theo thời gian thực, tích hợp AI, GIS, big data trong quản lý thiên tai – đặc biệt tại các khu đô thị có mật độ dân cư cao như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai…
Thứ ba, tăng cường yổ chức cộng đồng: Khuyến khích mỗi phường/xã xây dựng các "tổ đội ứng phó thiên tai cơ sở", vừa mang tính huấn luyện, vừa giúp lan tỏa nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ trong dân cư – nhất là người già, trẻ nhỏ và nhóm yếu thế.
Đẩy mạnh công tác phối hợp liên vùng: Do Hà Nội nằm ở cuối lưu vực sông Hồng – Thái Bình, thành phố cần tăng cường phối hợp với các tỉnh như Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh… để điều tiết lũ, chia sẻ dữ liệu thủy văn và phòng tránh ngập lụt hiệu quả. Thứ năm, giáo dục và truyền thông hiệu quả. Bằng cách đưa nội dung giáo dục về thiên tai vào chương trình học ở các cấp, lồng ghép truyền thông thường xuyên trên đa nền tảng số để người dân không chỉ hiểu rõ nguy cơ mà còn chủ động tham gia phòng ngừa.
Trước diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, trái quy luật, việc bảo đảm an toàn các công trình chống lũ cần được xem là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành. Trọng tâm hiện nay là khẩn trương hoàn thiện các công trình khắc phục sự cố đê điều, đồng thời rà soát, củng cố phương án ứng phó thiên tai theo hướng chủ động, thực chất và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của người dân – từ việc chấp hành các cảnh báo, không xây dựng trái phép trong hành lang bảo vệ đê, cho tới chủ động gia cố tài sản, chuẩn bị phương án sơ tán – chính là mắt xích quan trọng để tạo nên một đô thị "miễn nhiễm với thiên tai".
Từ những bước đi ban đầu đầy chủ động, Hà Nội đang cho thấy quyết tâm trở thành một trong những đô thị tiên phong trong công tác quản lý rủi ro khí hậu tại Việt Nam. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là sứ mệnh lâu dài để Thủ đô vững vàng trước thử thách, phát triển bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thùy Chi