Chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề

17/12/2020 10:59 AM

(Chinhphu.vn) - Là địa phương có thế mạnh về hàng thủ công mỹ nghệ với hơn 1.350 làng nghề, nhưng đến nay các sản phẩm của Hà Nội vẫn chưa tạo được thương hiệu nhiều trên thị trường. Để hàng thủ công mỹ nghệ cũng như các sản phẩm làng nghề Thủ đô vươn xa, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đòi hỏi sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu làng nghề sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: Bích Phương

Thời gian qua, nhiều làng nghề truyền thống đã được UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Điển hình như quận Tây Hồ, đã đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ cho phép Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng sử dụng địa danh và xác nhận bản đồ để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Xôi Phú Thượng”. UBND quận Hà Đông tổ chức gắn thương hiệu lên sản phẩm lụa Vạn Phúc tại Hội làng nghề. Quận Nam Từ Liêm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho làng nghề bún truyền thống Phú Đô, cốm Mễ Trì.

Tương tự, huyện Thường Tín đã xây dựng được 2 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái) và thêu Thường Tín bằng nguồn kinh phí Thành phố; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề chăn, ga, gối đệm Trát Cầu (xã Tiền Phong) bằng nguồn kinh phí của huyện. Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì) cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể và có hệ thống mã vạch riêng do Hợp tác xã Tranh Khúc quản lý…

Có thể thấy từ khi có thương hiệu trên thị trường, việc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, đời sống người lao động được nâng cao. Theo bà Chu Ngọc Lan (làng nghề cốm Mễ Trì), ngoài yếu tố chất lượng, người dân còn chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu cốm Mễ Trì để đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến. Đặc biệt, tại nhiều sự kiện quốc tế, cốm và các sản phẩm từ cốm Mễ Trì vinh dự được chọn là một trong 9 đặc sản của Hà Nội để giới thiệu, phục vụ các đại biểu.

Chủ tịch Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) Phạm Khắc Hà cũng cho hay, các hộ dân làng nghề đã quan tâm đến việc giữ gìn thương hiệu thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực đổi mới mẫu mã.

Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ, hiện đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và làng nghề chưa ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu làng nghề. Nguyên nhân của tình trạng này là do các cơ sở làng nghề chủ yếu là sản xuất nhỏ, hoạt động manh mún, thiếu gắn kết nên khó tiếp cận nguồn vốn cũng như không có nguồn lực được đào tạo bài bản về quản trị thương hiệu. Hầu hết các làng nghề, doanh nghiệp làng nghề chưa có bộ phận chuyên trách về thương hiệu, không chú trọng đăng ký bảo hộ thương hiệu. Khó khăn lớn nhất là nhân sự phụ trách nghiên cứu thị trường, tiếp thị của doanh nghiệp ít hoặc gần như không có, trong khi quảng cáo thông qua các đơn vị dịch vụ thì chi phí quá lớn…

Thêm cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh, để khắc phục bất cập về tài chính, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ quá trình xây dựng thương hiệu theo hướng đưa thêm cơ chế bảo vệ hàng hóa trong nước, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu từ đào tạo kiến thức về đặt tên thương hiệu cho đến thiết kế biểu tượng, hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm…

Đối với các làng nghề đang phát triển mạnh, Thành phố sẽ tập trung phát triển những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn và giá trị kinh tế cao; hỗ trợ quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để mở rộng mặt bằng sản xuất…

Đặc biệt mới đây, TP. Hà Nội cũng đã phê duyệt danh sách 12 làng nghề được hỗ trợ xây dựng thương hiệu như: Làng nghề Rèn thôn Vũ Ngoại, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa; Làng nghề Mộc Áng Phao, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai; Làng nghề truyền thống chế biến thuốc nam dân tộc Dao thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì; Làng nghề truyền thống chế biến chè Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì; Làng nghề cót nan thôn Văn Quang, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai; Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ; Làng nghề thêu thôn Cổ Chất, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín…

Xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư thích đáng cho việc phát triển và bảo vệ thương hiệu, như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở kênh quảng bá trực tuyến, chú trọng công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm... Khi tạo dựng được hình ảnh tốt với người tiêu dùng, chắc chắn doanh thu bán hàng sẽ gia tăng, cơ hội mở rộng thị trường cũng sẽ lớn hơn.

Bích Phương

Top