Chú trọng bảo tồn không gian cây xanh, mặt nước trong quy hoạch đô thị
(Chinhphu.vn) - Không gian cây xanh, mặt nước là một thành phần quan trọng của không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và nó được xem như là một nhân tố quan trọng trong phát triển bền vững đô thị.
Thực trạng thiếu không gian xanh ở các đô thị lớn
Không gian cây xanh, mặt nước đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người. Trong quy hoạch, không gian cây xanh là một chức năng rất quan trọng và được coi như lá phổi của đô thị. Tuy nhiên, việc gia tăng nhanh diện tích mặt không thấm của đất đô thị, đồng thời việc giảm mạnh tỉ lệ không gian xanh của thành phố gây ra nhiều tác động xấu đến chất lượng môi trường sống.
Sự mở rộng và gia tăng mật độ bề mặt không thấm kéo theo các hậu quả như tăng nhiệt độ không khí của thành phố do hiện tượng bức xạ nhiệt của bê tông; gia tăng chất thải và vấn đề chôn lấp xử lý chất thải ở các khu nhà đô thị tập trung cao; gia tăng ngập lụt; suy giảm chất lượng và khối lượng nguồn nước ngầm do mất bề mặt thấm nước tự nhiên.
TP. Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với khoảng 122 hồ nội thành, 13 con sông chảy qua. Hệ thống dòng chảy của các con sông cùng những hồ điều hòa đã tạo nên một bản sắc đô thị rất riêng của Hà Nội.
Tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển không gian cây xanh - mặt nước đã xác định "không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị; hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đối núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp,…" và mặt nước bao gồm hệ thống sông, hồ, đầm.
Sau khi quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo lập và phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014.
Quy hoạch được lập với quan điểm tuân thủ định hướng Quy hoạch chung Hà Nội về tạo dựng không gian xanh của vành đai sông Nhuệ, nêm xanh sông Thiếp - đầm Vân Trì… nhằm đạt mục tiêu 70% không gian xanh, 30% phát triển đô thị.
Đối với khu vực nội đô lịch sử không chuyển đổi (một phần hoặc toàn bộ) quỹ đất thuộc không gian xanh sang mục đích khác. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai đầu tư mới, cải tạo nâng cấp và phát triển hệ thống cây xanh - mặt nước với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp… trên cơ sở duy trì, khai thác những tiềm năng lợi thế sẵn có của hệ thống cây xanh - mặt nước hiện có. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa với sự xuất hiện ngày càng nhiều các khu đô thị, tòa nhà cao tầng, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân trong khi những mảng xanh của cây cối, hồ nước còn ít ỏi dẫn đến hiện tượng "đảo nhiệt đô thị" tại khu vực trung tâm Hà Nội ngày càng rõ nét.
Tại một số tuyến phố tập trung nhiều tòa nhà cao tầng như: Minh Khai, Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thúy, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển… đều dễ nhận thấy sự ngột ngạt, bỏng rát của hơi nóng phả ra từ mặt đường và những khối nhà bê tông cao tầng san sát nhau.
Tại những khu vực này, ngoài những hàng cây xanh được thành phố Hà Nội trồng hai bên vỉa hè, rất hiếm thấy khuôn viên cây xanh giữa các tòa nhà. Trong khi đó, cây xanh, thảm cỏ, bề mặt thấm nước và mặt nước có vai trò rất lớn để giảm hiệu ứng "đảo nhiệt đô thị".
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại Thủ đô Hà Nội, cây xanh và mặt nước là điểm nhấn trong quy hoạch. Đây là một lựa chọn rất đúng đắn, nhưng cũng là thách thức rất lớn, vì trong suốt quá trình phát triển Hà Nội thời gian dài, để cải thiện là một vấn đề lớn. Theo tư duy nhiệm kỳ, một số hồ ao nhỏ đã bị san lấp, thu hẹp lại để có đất xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp hoặc các khu nhà ở…
Không chỉ riêng tại khu vực nội thành, khu vực ngoại thành cũng không ngoại lệ, việc phát triển không gian xanh tại khu vực ngoại thành càng là vấn đề nan giải tại Hà Nội. Mặc dù, đây đa phần là các khu vực nông thôn nhưng quy mô và chất lượng về không gian xanh lại vô cùng hạn chế. Do đó, các địa phương cần chú trọng công tác xây dựng và phát triển không gian xanh công cộng.
Bên cạnh đó, diện tích mặt nước của khu vực ngoại thành chủ yếu sử dụng cho mục đích nuôi thuỷ sản và không đóng vai trò không gian xanh công cộng. Những diện tích dành cho không gian xanh của các khu vực trung tâm các xã, huyện vốn đã vô cùng hiếm hoi nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm và chưa phát huy được vai trò và giá trị của chúng.
Ngoài ra, hệ thống các không gian xanh mới chưa được quan tâm đầu tư xây dựng mà chủ yếu là tận dụng các diện tích đất xen kẹt trong khu vực trung tâm của các xã. Chính vì vậy, khả năng tiếp cận của người dân gặp nhiều khó khăn và khó phát huy tốt vai trò không gian xanh cho kết nối cộng đồng. Những không gian này thường được bê tông hoá cao với mức độ đầu tư hạn chế và được kết hợp với các tiện ích phục vụ thể dục ngoài trời cho cộng đồng dân cư.
Cần xanh hoá các không gian công cộng và phục hồi hệ sinh thái đô thị
Để việc quản lý và phát triển không gian cây xanh, mặt nước đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét xây dựng một văn bản pháp luật riêng về "phát triển không gian xanh" trong việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành và quy định quản lý.
Tại báo cáo về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo giai đoạn của TP. Hà Nội, Sở Xây dựng cho biết, triển khai theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đến nay, Hà Nội đã cơ bản đã hoàn thành phủ kín các quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chuyên ngành.
Quy hoạch xác định việc phát triển không gian đô thị dựa vào cảnh quan thiên nhiên hiện có, bao gồm hệ thống mặt nước, sông hồ hiện có, tạo sự kết nối không gian xanh với khu vực vành đai xanh và mặt nước sông Hồng.
Tổ chức không gian đô thị được xác lập chủ yếu là không gian cây xanh, mặt nước, công trình thấp tầng và các không gian mở, kết nối không gian xanh với hệ thống công viên đô thị trong những phân khu lân cận thành hệ thống, hình thành các công viên chuyên đề đa dạng gắn với văn hóa, truyền thống và nhu cầu của đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch thời gian qua còn tồn tại, hạn chế như việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, xây dựng có lúc chưa thường xuyên, kịp thời.
Bên cạnh đó, phương pháp và quy trình lập quy hoạch chưa tiên tiến; mô hình phát triển đô thị chưa được đề xuất rõ ràng. Chất lượng một số đồ án quy hoạch đô thị còn thấp, thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, trong khi giảm diện tích công cộng và cây xanh, mặt nước. Điều này dẫn đến việc quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong các khu đô thị.
Cho ý kiến về việc bảo tồn diện tích mặt nước tự nhiên đang giảm dần trong bối cảnh quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh trong thời gian qua, KTS Lã Thị Kim Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, việc trước tiên là phải cụ thể hóa các định hướng quy hoạch, TP. Hà Nội cần có lộ trình và mục tiêu chiến lược cho từng giai đoạn. TP. Hà Nội cần thiết lập chỉ giới đường xanh để quản lý các không gian cây xanh, mặt nước từ quy mô cấp khu ở đến cấp đô thị như một công cụ quản lý hiệu lực như chỉ giới đường đỏ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để xây dựng một văn bản pháp luật riêng về "phát triển không gian xanh", hoặc bổ sung nội dung vào Luật Quản lý phát triển đô thị đang được nghiên cứu.
Đưa ra một số giải pháp về phát triển không gian xanh đô thị tại Hà Nội, TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam cho rằng, cần phải xanh hoá các không gian công cộng và phục hồi hệ sinh thái đô thị. Xanh hóa các không gian công cộng bằng yếu tố cây xanh, mặt nước và phục hồi hệ sinh thái đô thị là giải pháp tối ưu nhằm khôi phục các giá trị tự nhiên trong đô thị hiện đại. Giải pháp này cũng góp phần hạn chế chi phí duy trì cảnh quan nhưng bảo tồn và phát huy hiệu quả đa dạng sinh học, tạo lập môi trường sống cho các hệ động thực vật trong đô thị.
Bên cạnh đó, cần nâng cấp không gian xanh hiện có. Đây là biện pháp có tính khả thi nhất hiện nay, bởi sẵn quỹ đất dành cho chức năng này, đồng thời bảo đảm tính hiệu quả và phát huy giá trị của các đồ án quy hoạch đã được duyệt. Những không gian bị bê tông hóa nhiều có thể được hoán đổi công năng sử dụng nhằm tăng diện tích không gian xanh và tích hợp với những chức năng hạ tầng kỹ thuật khác như thu gom hay tuần hoàn tái sử dụng nước mưa. Giải pháp này hạn chế mạnh mẽ tác động của quá trình bê tông hóa; đồng thời góp phần không nhỏ vào cải thiện môi trường và gia tăng đáng kể không gian tương tác cho cộng đồng.
Thêm vào đó, chúng ta có thể chuyển đổi các không gian công nghiệp; khai thác không gian trống và đa dạng chức năng cho không gian xanh đô thị; khôi phục các dòng sông và hình thành các không gian xanh dạng tuyến. Giải pháp này không chỉ làm sống lại các dòng sông có giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội mà còn khôi phục vai trò của hệ sinh thái ven sông; góp phần đưa yếu tố tự nhiên trở lại với đô thị hiện đại bằng giải pháp xây dựng cảnh quan ven sông theo dạng công viên tuyến tính, tăng khả năng tiếp cận với không gian mặt nước và bổ sung các hoạt động vui chơi giải trí cho cộng đồng cư dân, nâng cao tính đa dạng sinh học, cải thiện điều kiện vi khí hậu và giảm thiểu úng ngập. Đây cũng là yếu tố hành lang quan trọng góp phần phục hồi và phát triển hệ sinh thái tự nhiên đô thị bền vững…
Không gian xanh đô thị đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với chất lượng cảnh quan và môi trường đô thị mà còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần cho cộng đồng cư dân. Sự thiếu hụt không gian xanh tại Hà Nội là trở ngại rất lớn cho chiến lược xây dựng thủ đô Xanh-Thông minh-Hiện đại. Do đó, việc phát triển quy mô và nâng cao chất lượng không gian xanh cho Hà Nội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi có sự tham gia quyết liệt từ các cấp chính quyền tới sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức và cộng đồng xã hội.
Phát triển không gian xanh góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi và phát huy giá trị của hệ sinh thái đô thị; đưa yếu tố tự nhiên vào sâu trong không gian và trong mọi hoạt động của cộng đồng xã hội, cũng như khôi phục môi trường sống lý tưởng cho các loài sinh vật tự nhiên. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và có khả năng thích ứng hiệu quả với sự thất thường và ngày càng khắc nghiệt của thời tiết.
Thùy Chi