Chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng
(Chinhphu.vn) - Ngày 11/3, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết quý I/2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2022.
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức cho biết, Thành ủy Hà Nội hiện có 50 đảng ủy cấp trên cơ sở (trong đó, có 30 quận, huyện, thị ủy) với 2.308 tổ chức cơ sở đảng.
Trong Quý I/2022, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4/7/2017, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội" và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội" (Ban Chỉ đạo 15 Thành ủy) đã đề ra nhiều giải pháp và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Theo đó, các ban Đảng Thành ủy, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các sở, ban, ngành Thành phố có liên quan đã tham mưu, đề ra nhiều giải pháp củng cố cơ sở đảng yếu kém, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên. Đồng thời, hướng dẫn, rà soát, đôn đốc và từng bước phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 15 Thành ủy và các quận, huyện, thị ủy đã thực hiện nhiều giải pháp mới và tập trung thực hiện công tác tiếp công dân xử lý, giải quyết các vụ khiếu nại tập trung đông người, phức tạp, tồn đọng; không để phát sinh "điểm nóng" về an ninh trật tự góp phần vào thành công chung trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố.
Về nhiệm vụ trọng tâm Quý II/2022, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy cho biết, Ban Chỉ đạo 15 Thành ủy tiếp tục thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết 15-NQ/TU, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII); Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy về củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Ngoài ra, sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát đối với một số cấp ủy cấp huyện trong quý III/2022; tập trung đối với các đơn vị chậm chuyển biến trong việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng hoặc những nơi có nhiều vụ việc phức tạp cần quan tâm giải quyết…
Tại hội nghị, đại diện các quận, huyện đã thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong việc tiến hành rà soát, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, nhất là những nơi có khó khăn, nơi có các vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng tổ chức cơ sở Đảng, phù hợp với các loại hình chi bộ trong tình hình mới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Sớm ứng dụng công nghệ thông tin trong tích hợp giải quyết đơn thư
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao sự vào cuộc trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Phó Bí thư Thành ủy khẳng định, thời gian qua, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn Thành phố được bảo đảm an toàn là do có sự đóng góp của các địa phương trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Thành phố. Đặc biệt, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND quận/huyện trực tiếp đối thoại với người dân để các vụ việc khiếu kiện không vượt cấp lên Thành phố.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy cho biết, theo dự báo tình hình trong nước cũng như Thành phố còn nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, vì thế, các địa phương cần tập trung giải quyết những vụ việc phức tạp kéo dài, trong đó, có các dự án giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, cần chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở Đảng. Các địa phương liên quan cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở xử lý chất thải, rác thải rắn trên địa bàn Thành phố để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại các địa phương.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho TP. Hà Nội xây dựng đường Vành đai 4, trong đó, việc hoàn thành giải phóng mặt bằng về cơ bản sẽ hoàn thành vào năm 2026. Vì thế, khối lượng công việc rất lớn, nhất là liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc của các địa phương, đơn vị liên quan nhằm tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện chủ trương lớn này của Thành phố.
"Các địa phương giải quyết các nhiệm vụ trong thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU phải gắn với kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, phải chú trọng củng cố và phát triển hệ thống tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở. Công tác điều động, luân chuyển, quy hoạch và bố trí cán bộ của các địa phương cũng cần phải gắn với thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU để tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở, phát huy được vai trò của người đứng đầu cấp ủy.
"Đây là nhiệm vụ khó nên đòi hỏi sự vào cuộc, quyết tâm cao của cấp ủy chính quyền các cấp. Trong đó, có nhiều vấn đề vượt thẩm quyền của các địa phương cần báo cáo Thành phố để có hướng giải quyết cụ thể, kịp thời", Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, các địa phương cần chú trọng giải quyết những vụ việc phức tạp ngay từ ban đầu và phải giải quyết triệt để, không để tồn tại kéo dài. Trong đó, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố cần sớm rà soát lại những bất cập, khó khăn vướng mắc liên quan đến các sở, ngành của Thành phố về vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, sớm triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong tích hợp giải quyết các đơn thư của người dân…
Bích Phương