Chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động

10/06/2022 11:32 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với việc làm. Đồng thời, tiếp tục phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động. Trong đó, chú trọng đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm được việc ngay.

Chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động - Ảnh 1.

Tăng cường kỹ năng tay nghề cho sinh viên. Ảnh minh họa

Tăng cường kỹ năng tay nghề cho sinh viên

Để bảo đảm chất lượng đào tạo nghề, năm 2022, nhiều cơ sở GDNN giữ ổn định số lượng tuyển sinh như mọi năm và thực hiện chương trình đào tạo với thời lượng 30%-40% lý thuyết và 60%-70% thực hành. Các nhà trường tuyển sinh số lượng lớn những ngành, nghề mà thị trường có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động. Do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có sự thay đổi theo từng giai đoạn và yêu cầu ngày càng cao đối với người lao động nên các nhà trường tăng cường trang bị những kỹ năng.

Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga cho biết, năm nay, nhà trường tuyển sinh 800 chỉ tiêu (trình độ cao đẳng 500 chỉ tiêu, trung cấp 250 chỉ tiêu và sơ cấp 150 chỉ tiêu).

Ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, nhà trường còn tăng cường những hoạt động và rèn cho người học các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, xin việc, quản lý thời gian, quản lý tài chính, hợp tác trong lao động, chịu áp lực trong công việc.

Cũng bởi các nhà tuyển dụng có yêu cầu cao về kỹ năng tay nghề và tác phong công nghiệp nên nhiều cơ sở GDNN đã hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, nhận học sinh, sinh viên đến thực tập và làm nghề. Hằng năm, trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội liên kết với doanh nghiệp chỉnh sửa chương trình đào tạo, đưa học sinh đi thực tập tại công ty nên các em ra trường đáp ứng được ngay nhu cầu của doanh nghiệp.

Cùng với việc điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhiều trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn Hà Nội luôn hướng tới những doanh nghiệp có công nghệ kỹ thuật tiên tiến, kỷ luật lao động nghiêm, học sinh sinh viên được tham gia vào chu trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị để nâng cao kiến thức, kỹ năng, rèn luyện ý thức, tác phong công nghiệp.

Bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp lao động

Thực hiện công tác GDNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực năm 2022, trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn TP. Hà Nội đã tuyển sinh và đào tạo cho 81.226/224.500 lượt người, đạt 36,2% kế hoạch tuyển sinh năm 2022. Trong đó, trình độ cao đẳng 2.333 người, trung cấp 2.575 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 76.318 người.

Để hoàn thành chỉ tiêu đào tạo cho 224.500 lượt người trong năm 2022, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách khuyến khích thu hút học nghề để hỗ trợ các cơ sở GDNN trong công tác tuyển sinh.

Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức Hội nghị gắn kết GDNN với thị trường lao động năm 2022; tổ chức tọa đàm, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh trực tuyến… Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN, gắn đào tạo với việc làm. Đồng thời, tiếp tục phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố.

Với quyết tâm đổi mới, Sở LĐTB&XH cho biết, sẽ tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2025 thực hiện đào tạo cho 1.150.000 lượt người, bình quân mỗi năm đạt khoảng 230.000 lượt người; tỷ lệ lao động qua đào đạt từ 75%-80%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55%-60%...

Cùng với đó, triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm.

Đổi mới trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến, ưu tiên đào tạo chất lượng cao, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động…

Diệu Anh

Top