Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh

22/05/2019 5:42 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Sở Y tế Hà Nội, năm nay ngành y tế Thủ đô đầu tư thêm 420 giường bệnh so với năm 2018, nâng tổng số giường bệnh phục vụ công tác khám chữa bệnh là 12.685 giường. Qua đó không còn tình trạng người bệnh phải nằm ghép. Tình trạng quá tải chỉ xảy ra cục bộ ở một số khoa của một số bệnh viện Thành phố.

Ngành y tế Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tăng chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân từ 24,5 lên 25,6/vạn dân (gồm 20 đến 25% số giường bệnh của Bộ, ngành trên địa bàn Hà Nội). Phấn đấu tăng tỷ lệ từ 13,3 lên 13,4 bác sỹ /vạn dân. Chỉ tiêu 26,5 giường/vạn dân vào năm 2020.

Như vậy dự kiến đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 22.502 giường bệnh (đạt chỉ tiêu 26,5 giường/vạn dân). Trong đó, các bệnh viện công lập của Hà Nội có 14.000 giường bệnh (chiếm 62%). Các bệnh viện ngoài công lập có 2.235 giường bệnh (chiếm 10%); số giường bệnh Trung ương dành điều trị cho bệnh nhân Hà Nội là: 6.267 giường bệnh (chiếm 28%).  

Theo Sở Y tế Hà Nội, dự kiến đầu tư nâng cấp và xây dựng mới 10 bệnh viện hoàn thành vào năm 2020. Với con số này, đến năm 2020 ngành y tế Thủ đô sẽ tăng thêm 1.280 giường bệnh nữa. Nhóm giường bệnh ngoài công lập, bổ sung 180 giường bệnh của 02 Bệnh viện đã được Bộ Y tế thẩm định và chờ được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh (Bệnh viện Đa khoa Dolife 150 giường bệnh, Bệnh viện Đa khoa Chữ Thập Xanh 30 giường bệnh); bổ sung 200 giường bệnh của Bệnh viện Vinmec (triển khai giai đoạn 2 của Dự án 350 giường bệnh); bổ sung 102 giường bệnh của Bệnh viện Việt Pháp; bổ sung 55 giường bệnh của Bệnh viện Tâm Anh (Dự án Giai đoạn 2); bổ sung 115 giường bệnh của Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc.

Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, nhóm giường bệnh Trung ương dành cho Hà Nội cũng sẽ tăng 1.000 từ nay đến 2020.

Được biết, hiện Sở Y tế Hà Nội xin phê duyệt kế hoạch triển khai mô hình trạm y tế điểm theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn Thành phố. Dự kiến 45% số trạm y tế xã/phường/thị trấn sẽ triển khai theo mô hình điểm của Bộ Y tế. Kiểm tra đánh giá kết quả triển khai tại 04 trạm y tế điểm, giải quyết những vướng mắc, khó khăn. Chỉ đạo các Trung tâm y tế khẩn trương triển khai mở rộng mô hình trạm y tế điểm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Sở Y tế đã trình UBND Thành phố phê duyệt Kế hoạch nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập và công tác quản lý nhà nước đối với các bệnh viện ngoài công lập. Triển khai kế hoạch đánh giá quản lý chất lượng bệnh viện năm 2019. Đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị xây dựng các Đề án phát triển mạng lưới khám chữa bệnh theo Chương trình công tác năm 2019 của UBND Thành phố như: Đề án bệnh viện đạt tiêu chuẩn châu Âu (Bệnh viện Xanh Pôn), Đề án phát triển Bệnh viện mũi nhọn Thành phố (Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) và Đề án phát triển mạng lưới cấp cứu trước bệnh viện (Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội), tổng hợp và xin ý kiến đóng góp của các Sở và UBND các quận để hoàn thiện trình UBND Thành phố.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên khoa đầu ngành triển khai các hoạt động năm 2019, hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới. Đánh giá kết nối giữa Trung tâm cấp cứu 115 với các Bệnh viện để phục vụ hoàn thiện đề án mở rộng mạng lưới cấp cứu trước viện. Tổ chức đợt hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang.

Nhằm thực hiện tốt hơn đầu tư cơ sở vật chất cho công tác khám chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội sẽ trình UBND Thành phố phê duyệt Đề án phát triển các kỹ thuật chuyên môn mũi nhọn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn...

Tăng cường hoạt động hội nhập quốc tế trong xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển ngành y tế Hà Nội; đầu tư xây dựng một số cơ sở mới hiện đại ngang tầm các nước phát triển trong khu vực; phát triển các kỹ thuật tiên tiến, thành lập các Trung tâm Phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực như xét nghiệm và sàng lọc Gen di truyền, tế bào gốc, ngân hàng cuống rốn, thụ tinh trong ống nghiệm, tiêu hóa, bỏng, phẫu thuật tạo hình, nghiên cứu lâm sàng, cấp cứu y tế, phục hồi chức năng,...; phát triển hệ thống y tế cấp cứu và vận chuyển cấp cứu của Thành phố theo mô hình SAMU (Pháp).

Bên cạnh việc triển khai các dự án đầu tư cơ sở vật chất cho công tác khám chữa bệnh, từ nay đến cuối năm, ngành y tế Hà Nội cũng sẽ tiếp tục kiểm tra giám sát thực hiện quy chế chuyên môn, hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến xảy ra do sai sót về chuyên môn. Tăng cường công tác cải tiến chất lượng bệnh viện, quản lý bệnh viện và thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tổ chức bình bệnh án theo các chuyên khoa đầu ngành: Nội, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, y học cổ truyền…Tiếp tục đánh giá sự hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện công lập.

Minh Anh

Top