Chuẩn bị tổng kết đánh giá kết quả 8 năm thi hành Luật Thủ đô

08/06/2021 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 8/6, Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tiến hành phiên họp trực tuyến để đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô và nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Anh

Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 21/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.

Theo UBND TP. Hà Nội, việc đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan tình hình thi hành Luật Thủ đô trong 08 năm qua nhằm xác định những tác động tích cực của cơ chế đặc thù về xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô; tập hợp những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật cho phù hợp tình hình mới.

Trên cơ sở tổ chức tổng kết 08 năm thi hành Luật Thủ đô và văn để đề xuất chính sách, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2021.

Ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, thực hiện Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Thủ đô, UBND Thành phố đã ban hành các Kế hoạch, văn bản tổ chức triển khai, trong đó, tập trung chủ yếu việc xây dựng văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND Thành phố, đảm bảo văn bản được ban hành cùng thời điểm Luật có hiệu lực thi hành. Tính đến nay, UBND Thành phố đã ban hành 61 văn bản để tổ chức triển khai, thực hiện Luật Thủ đô trên địa bàn (28 Quyết định, 14 Kế hoạch, 17 Công văn, 01 Tờ trình, 01 Thông báo).

Hằng năm, UBND thành phố Hà Nội ban hành các Kế hoạch tổ chức việc đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô, trong đó tập trung nội dung tác động của cơ chế chính sách trong thực tiễn. Phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức sơ kết, đánh giá 03 năm, 05 năm thi hành Luật Thủ đô; tổ chức Đoàn công tác liên ngành thực hiện việc khảo sát về tình hình thi hành Luật Thủ đô theo lĩnh vực và địa bàn; tổ chức các hội nghị, hội thảo góp ý về những nội dung theo yêu cầu báo cáo. Tổng hợp báo cáo phục vụ các đoàn Giám sát của Quốc hội, HĐND Thành phố về tình hình thi hành Luật.

UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3317/QĐ-UBND ngày 29/5/2017 phê duyệt Đề án "Nghiên cứu, rà soát tổng thể, xác định những nội dung quy định trong Luật Thủ đô và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Trung ương khi triển khai vào thực tiễn chưa phù hợp để đề nghị Trung ương sửa đổi bổ sung và tiếp tục đề xuất với Trung ương cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để phục vụ sự nghiệp phát triển Thủ đô".

Cùng với công tác tuyên truyền, trong thời gian qua, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã tích cực, chủ động, phối hợp với các Bộ ngành trong việc soạn thảo các văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành Luật để trình cấp có thẩm quyền ban hành bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm hiệu lực của Luật Thủ đô (ngày 01/7/2013). Các văn bản đã được ban hành bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình soạn thảo; kịp thời được kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn; Do đó, cơ bản các văn bản thuộc thẩm quyền của thành phố Hà Nội đã được ban hành kịp thời, đảm bảo đúng trình tự thủ tục, hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất về cơ chế chính sách xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Theo quy định của Luật Thủ đô và Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, có 22 nội dung được giao các cấp có thẩm quyền quy định chi tiết, trong đó 01 nội dung do Chính phủ quy định; 05 nội dung do Thủ tướng Chính phủ quy định, 01 nội dung do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, 13 nội dung giao HĐND Thành phố và 03 nội dung giao UBND thành phố Hà Nội. Đến nay, đã có 23 văn bản được các cơ quan ban hành để quy định chi tiết 18/22 nội dung; còn lại 04/22 nội dung đang tiếp tục được các cơ quan nghiên cứu, soạn thảo để trình cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó: 01 nội dung do Chính phủ quy định, 02 nội dung do Thủ tướng Chính phủ quy định và 01 nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND thành phố Hà Nội.

Đánh giá theo 3 trụ cột để xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chủ trì hội nghị và nghe ý kiến của các Sở, ngành, đơn vị liên quan góp ý vào Dự thảo báo cáo Tổng kết thi hành Luật Thủ đô, ông Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã yêu cầu các đơn vị, căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu mới, sẽ đánh giá rộng ra từ nhu cầu thực tiễn của Thành phố; phải làm rõ yêu cầu đặc biệt của yếu tố Thủ đô trong việc xây dựng Luật Thủ đô.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn, yêu cần cần nhấn mạnh bổ sung đánh giá theo 3 trụ cột để xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), thứ nhất là xây dựng chính quyền đô thị, Hà Nội phải có chính quyền đô thị theo đúng nghĩa, phải tập trung đẩy mạnh để Hà Nội có thể tự chủ về bộ máy cán bộ; thứ 2 là Ngân sách, tài chính đặc thù cho Hà Nội để tạo sự công bằng trong sử dụng nguồn lực tài nguyên chung của Nhà nước và quản lý điều hành bằng thuế, phí; thứ 3 là Quản lý dân cư, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao trách nhiệm của người dân, song song với phát triển kinh tế đô thị. Về định hướng tổng kết, cần bám sát Đề cương để tổng kết, đánh giá, đồng thời, mở rộng theo thực tế để có những kiến nghị, đề xuất sát thực tế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị tổ công tác tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô, trong đó, bổ sung nội dung về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và 10 chương trình công tác của Thành ủy.

Bên cạnh đó, trong báo cáo cần xây dựng các phụ lục về kiến nghị, đề xuất về sửa đổi Luật Thủ đô; đánh giá việc tổng kết các Nghị quyết của HĐND Thành phố; tập hợp các chuyên đề của sở, ngành liên quan; báo cáo rà soát các văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Thủ đô. Về công tác tuyên truyền, đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền công tác tổng kết Luật và xây dựng chính sách để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Trong thời gian tới, các sở, ngành TP. Hà Nội sẽ tiếp tục soát, đề xuất chính sách cụ thể cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới vào đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để tổng hợp; Báo cáo đánh giá tác động chính sách được đề xuất vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai Kế hoạch liên tịch số 777/KH-BTP-UBND TP. Hà Nội ngày 19/3/2021 phối hợp về đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô; nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ đề nghị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

 Minh Anh

Top