Chương Mỹ: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

28/11/2024 6:02 PM

(Chinhphu.vn) - Về đích huyện nông thôn mới năm 2020, huyện Chương Mỹ đã không ngừng nỗ lực để bắt tay ngay vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Chương Mỹ: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới- Ảnh 1.

Chính quyền và nhân dân huyện Chương Mỹ đã nỗ lực, quyết tâm đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, huyện Chương Mỹ đã ban hành Chương trình 07-CTr/HU của Huyện ủy Chương Mỹ về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025. Sau hơn 3 năm triển khai và tổ chức thực hiện, Chương Mỹ đã gặt hái được nhiều thành quả ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi căn bản, toàn diện bộ mặt nông thôn; đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Về cơ sở hạ tầng nông thôn đang tiếp tục được hoàn thiện, hiện đại hơn. Các tuyến đường làng, ngõ xóm cơ bản đã được nhựa hóa, bê tông hóa; các công trình thủy lợi được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân; các công trình trường học, trạm y tế với cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm yêu cầu dạy và học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; các thiết chế văn hóa được đầu tư, nâng cấp, xã hội hóa lắp đặt các trang thiết bị ngoài trời đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân nông thôn.

Trong sản xuất nông nghiệp huyện luôn chú trọng các giải pháp tối ưu, hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập, tạo sinh kế ổn định cho người dân. Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, như: Mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp tại xã Thụy Hương, quy mô 0,5ha, giá trị sản xuất trên 1 tỷ đồng; mô hình sản xuất bưởi Diễn ở vùng đồi gò với thu nhập 500 - 600 triệu đồng/ha/năm; mô hình sản xuất rau, quả công nghệ cao mang lại thu nhập cao cho người dân từ 500 - 600 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ra, Chương Mỹ cũng đã thực hiện thành công nhiều mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, tạo sức bật xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần đưa nền nông nghiệp huyện phát triển bền vững. Điển hình như: Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của HTX rau quả sạch Chúc Sơn với quy mô 38ha cung cấp sản phẩm rau cho các bếp ăn tập thể của một số bệnh viện lớn và các trường học, siêu thị trên địa bàn Hà Nội; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo hữu cơ Đồng Phú với quy mô sản xuất 48ha đã liên kết sản xuất và tiêu thụ với 3 doanh nghiệp đưa sản phẩm phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú tiêu thụ tại một số tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu sang châu Âu; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau, bưởi của HTX Bưởi Núi Bé với diện tích 18ha, sản phẩm được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các nhà hàng và bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử.

Chương Mỹ: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới- Ảnh 2.

Huyện Chương Mỹ có nhiều sản phẩm làng nghề, OCOP mang chất lượng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư huyện Chương Mỹ, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phù hợp với nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả. Tăng cường quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai để sản xuất nông nghiệp hiệu quả; xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Từ năm 2021 đến nay, Chương Mỹ đã huy động hơn 1.600 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 180 tỷ đồng tổng giá trị ngày công, đất hiến, tiền mặt, hiện vật… Nhờ vậy, diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại; chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng nâng lên. Nếu như năm 2021, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn đạt 65 triệu đồng/người/năm thì 2023 tăng lên 74 triệu đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 80 triệu đồng và dự kiến năm 2025 đạt 85 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo từ 529 hộ (năm 2021), giảm còn 99 hộ (năm 2023) và cơ bản không còn hộ nghèo năm 2024...

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt mới đây Chương Mỹ có thêm 6 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Với những kết quả đã đạt được, huyện Chương Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 2 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã nông thôn mới nâng cao của huyện lên 18 xã (tăng 8 xã so với kế hoạch Chương trình số 07-CTr/HU); đồng thời có thêm 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện lên 5 xã, đạt kế hoạch chương trình.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Tập trung đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội để nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng lòng, chung sức trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ. Các địa phương tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân thụ hưởng", nhằm góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh nông thôn được giữ vững.

Với những kết quả đã đạt được, huyện Chương Mỹ tập trung xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại theo hướng phát triển đô thị trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của từng vùng, từng địa phương. Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn; thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phát huy thế mạnh từng vùng và bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng hài hòa giữa giữ gìn giá trị văn hóa truyền thốngvới đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường gắn với phát triển du lịch làng nghề.

Thiện Tâm

Top