Chuyển biến rõ nét từ chương trình phòng chống bệnh dại

08/09/2021 10:43 AM

(Chinhphu.vn) - Do nguy cơ bùng phát dịch bệnh động vật, nhất là các bệnh liên quan đến con người, vì thế chương trình phòng chống bệnh dại cần được nâng cao với những giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn bệnh dại giữa người và động vật.

Tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó trên địa bàn huyện Thanh Trì - Ảnh: Thiện Tâm

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, những năm qua, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị mới đi đôi với xu hướng nuôi chó, mèo làm "thú cưng" cũng gia tăng. Đến nay tổng đàn chó, mèo trên địa bàn Thành phố là 460 nghìn con (đứng thứ hai cả nước sau tỉnh Nghệ An). Tính từ đầu năm 2017 đến nay, số lượng chó, mèo nuôi bình quân tăng khoảng trên 6 nghìn con/năm (tổng đàn năm 2017 là 423 nghìn con, năm 2021 là 460 nghìn con). Riêng số lượng chó, mèo nuôi tại các quận nội thành có tốc độ tăng nhanh khoảng trên 2 nghìn con/năm.

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Thành phố đến các xã phường thị trấn, việc tiêm phòng, triển khai chương trình quản lý chó nuôi nhiều địa phương thực hiện tốt. 100% các xã, phường, thị trấn có sổ theo dõi đàn chó, mèo trên địa bàn. Tại các quận, thị xã xây dựng vùng an toàn bệnh dại thường xuyên tổ chức bắt chó thả rông và xử phạt các trường hợp không chấp hành tiêm phòng vaccine dại. Nhiều quận, huyện đã tổ chức tốt việc quản lý chó nuôi thông qua phần mềm, trên hệ thống điện tử để theo dõi quản lý, tổng hợp được thuận lợi. Trong 3 năm (2018, 2019, 2020), Hà Nội đã xây dựng thành công vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh dại tại 4 quận (Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình) - đây là một trong những điểm nhấn về quản lý chó nuôi trên địa bàn Thành phố. Từ kết quả này Thành phố đang nhân rộng để tiến tới hoàn thành Chương trình xây dụng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại tại tất cả các quận nhằm hạn chế tối đa người tử vong vì bệnh dại mà vật chủ chính gây nên là đàn chó, mèo.

Kết quả tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó mèo tạo miễn dịch chủ động, hiện tại Hà Nội là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cao (đứng đầu cả nước), luôn đạt tỷ lệ từ 90 % trở lên; tỷ lệ tiêm phòng năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng năm 2021 tỷ lệ tiêm phòng còn thấp mới đạt 82,88 % (nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, nhiều khu vực bị giãn cách xã hội chưa tổ chức tiêm được).

Từ năm 2017 đến nay đã xử lý vi phạm hành chính 992 trường hợp chủ nuôi chó không chấp hành các quy định về quản lý chó nuôi (không tiêm phòng, thả rông chó ra nơi công cộng, công viên không rọ mõm, không người dắt, để chó tấn công người, gây ô nhiễm môi trường...).

Về xử lý ổ dịch bệnh dại trên người, do Hà Nội có mật độ cư dân đông, số lượng đàn chó mèo nuôi lớn, đặc biệt các khu chung cư, khu nhà tập thể diện tích chật hẹp nhưng người dân vẫn có sở thích nuôi chó mèo, đùa vui với con vật nên không tránh được việc chó cắn, tấn công người, chó gây cản trở giao thông. Kể cả ở các phòng khám, do chủ quan, lơ là, dụng cụ bảo hộ chưa đảm bảo nên số người bị chó cắn là điều khó tránh khỏi. Năm 2019, Thành phố không ghi nhận trường hợp nào tử vong vì bệnh dại; năm 2020 có 1 người tử vong vì bệnh dại nhưng không rõ nguyên nhân (tại quận Cầu Giấy); từ đâu năm 2021 đến nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong vì chó dại cắn. Đây cũng chính là hiệu quả rõ nét mà Chương trình thanh toán bệnh dại đã mang lại.

Để phát huy kết quả đã đạt được, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới, Hà Nôi tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành Chương trình phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 làm căn cứ pháp lý để các tỉnh, thành phố đồng bộ thực hiện. Nội dung chủ yếu mà Hà Nội tập trung thực hiện trong giai đoạn tới là tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho mạng lưới thú y chuyên sâu về phòng chống bệnh dại.

Đồng thời đưa công nghệ thông tin, quản lý trên hệ thống phần mền danh sách chủ hộ nuôi chó, cập nhật thông tin để đảm bảo việc tiêm phòng và làm cơ sở giữ liệu xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại; Phối hợp với ngành Y tế, các cơ quan chuyên ngành liên quan trong thông tin dịch bệnh, xử lý ổ dịch, bệnh liên quan đến con người, tập huấn phổ biến kiến thức cho thú y, y tế cơ sở và người dân tại các quận, huyện, thị xã; Nghiên cứu việc truyền lây giữa bệnh dại và dịch bệnh COVID-19 để thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền các cấp, người dân chủ động phòng bệnh dại trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp…

Để khống chế và tiến tới thanh toán bệnh dại Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017 - 2021”. Theo đó mục tiêu lớn nhất nhằm khống chế bệnh dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2021 nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại. Mục tiêu cụ thể có trên 95% số xã, phường, thị trấn lập được Danh sách hộ nuôi chó. Tỷ lệ chó nuôi được tiêm vắc xin Dại đạt trên 85% tổng đàn; trên 70% số tỉnh không có ca bệnh Dại trên chó trong 02 năm liên tiếp; giảm 60% số tỉnh nguy cơ cao bệnh dại trên người; giảm 60% số người tử vong vì bệnh dại vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh dại trung bình giai đoạn 2011 - 2015.

Thiện Tâm

Top