Chuyển biến về văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh tại Thủ đô

28/11/2023 3:42 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, bài bản, hiệu quả, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện, khâu đột phá đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng ở Thủ đô về văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh, ý thức chấp hành pháp luật cả trong đời thực và không gian mạng.

Chuyển biến về văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh tại Thủ đô- Ảnh 1.

Công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được Thành ủy đặc biệt quan tâm - Ảnh: VGP/Gia Huy

Sau nửa nhiệm kỳ triển khai Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025", Ban chỉ đạo chương trình đánh giá đã tạo được nhiều đột phá.

Trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa

Điểm nổi bật tạo nên sự đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người của Thủ đô trong thời gian qua và những năm tiếp theo, đó chính là sự kế thừa và phát huy hiệu quả tinh thần đổi mới. Bên cạnh việc tiếp tục xác định một Chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, Thành ủy Hà Nội với tầm nhìn rộng mở và quyết tâm chính trị cao đã quyết định ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU "về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được Thành ủy đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Đây được xem là 1 trong 5 nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ Thành phố đề ra, xác định đây là khâu đột phá trong thực hiện Chương trình 06. Trong đó, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, gương mẫu và tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội được đề cao, là nền tảng quan trọng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai được thực hiện tích cực ở các cấp, đặc biệt trong môi trường nhà trường.

Việc nắm bắt, định hướng tư tưởng, dư luận trong thanh niên được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục; góp phần đấu tranh, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ngăn chặn những thói hư tật xấu hình thành trong tập thể và mỗi cá nhân thanh niên.

Nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng trong toàn xã hội, nhiều tấm gương sáng, câu chuyện đẹp của thanh niên trong tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, trong sinh hoạt, lao động hằng ngày được kịp thời phát hiện, biểu dương và tôn vinh. Nhiều gương người tốt, việc tốt của thanh niên trở thành những nguồn cảm hứng, động lực của nhiều bạn trẻ, đồng thời góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, như: Chiến dịch "Xuân tình nguyện - Tết sẻ chia"; ủng hộ Quỹ "Vì biển, đảo Việt Nam"; phát huy tinh thần xung kích trong hoạt động hỗ trợ phòng, chống COVID-19; tổ chức chương trình "Xuân Biên Giới"…

Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn Thành phố được triển khai cụ thể hóa bằng việc thực hiện các nội dung của Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị, thu hút được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Trong triển khai thực hiện đã có nhiều điểm mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực, toàn diện, nổi bật như: Trong xây dựng Gia đình văn hóa tập trung triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm tuyên truyền giá trị về văn hóa truyền thống, phát huy giá trị tốt đẹp trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, góp phần thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Trong xây dựng thôn, làng văn hóa được gắn với xây dựng nông thôn mới, Tổ dân phố văn hóa gắn với xây dựng đô thị văn minh với các phong trào thi đua người tốt, việc tốt, phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và các loại tội phạm xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội.

Nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa

Với mục tiêu phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, TP. Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc thi, các hoạt động để nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa.

Trong đó, mô hình hội thi "Trưởng thôn thân thiện" được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013 và duy trì và tổ chức định kỳ 4 năm một lần. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, đây là một trong những nội dung của phong trào xây dựng làng văn hóa, góp phần xây dựng thôn làng tự quản, đảm bảo an ninh an toàn tại khu dân cư; thông qua quy ước, hương ước làng đã phát huy vai trò tự quản của thôn (làng). Thông qua hội thi, nhằm giới thiệu các mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong xây dựng các mô hình văn hoá, xây dựng môi trường văn hoá; đồng thời tôn vinh, kịp thời động viên các cán bộ trưởng thôn tiêu biểu trên địa bàn.

Chương trình "Đám cưới tập thể theo nếp sống mới" cho 18 cặp đôi trẻ theo nếp sống mới cũng được tổ chức nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân dân về việc cưới theo nếp sống văn minh, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đề cao lối sống tiết kiệm và văn minh trong giới trẻ; góp phần xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, hỏi và hình thức tổ chức cưới linh đình, xa hoa, phô trương, lãng phí;

Cuộc thi "Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp" triển khai đến các quận, huyện, thị xã đã tạo nên sự nôi nổi thi đua và hiệu quả thực tế ở cơ sở, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo như: Lập Fanpage cộng đồng, kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ; huy động sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể… Bằng quyết tâm thay đổi và sự vào cuộc của cả cộng đồng, phong trào giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp không còn dừng lại ở một cuộc thi, mà đã thực sự được duy trì, nhân rộng, tạo thành nét văn hóa tích cực, đúng với mục tiêu Thành phố đang hướng tới. Nổi bật là quận, huyện, thị như: Đan Phượng, Thanh Xuân (có 145 mô hình), Long Biên, Ba Vì, Ba Đình…

Phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành phố đã tổ chức thống kê, đánh giá thực trạng quy ước, hương ước trên địa bàn Thành phố. Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hoá truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Từ đó, Tổ chức hội nghị toạ đàm đánh giá vai trò của quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hoá ở cộng đồng dân cư trên địa bàn Hà Nội.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình 06 của Thành ủy, để các tiêu chí chương trình đạt đủ vào năm 2025, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Cụ thể là nâng cao chất lượng xây dựng danh hiệu phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; kế hoạch hoàn thiện, phát huy hiệu quả quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa: gia đình văn hóa; làng, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Tổ chức tôn vinh, biểu dương các mô hình văn hóa tiêu biểu, hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo các nội dung đã đề ra và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Gia Huy

Top